Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu đề tài “Quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo hiểm liên kết ngân hàng – thực trạng và giải pháp”

Ngày 29/1/2021, Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Viện CLNH) tổ chức Hội thảo phổ biến kết quả Đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ “Quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo hiểm liên kết ngân hàng – thực trạng và giải pháp” (mã số ĐTNH.013/18). Tham dự Hội thảo có đại diện một số Vụ, Cục NHNN, đại diện các công ty bảo hiểm, các ngân hàng thương mại có hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng – Giám đốc Trung tâm tư vấn đào tạo, chuyển giao khoa học và công nghệ Ngân hàng, Viện CLNH cho biết, tại nhiều nước trên thế giới hoạt động bảo hiểm liên kết ngân hàng (Bancassurance) chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu bảo hiểm toàn thị trường. Ở Việt Nam, hoạt động Bancassurance đã hình thành và phát triển mạnh trong những năm qua và đang dần trở thành một kênh phân phối bảo hiểm chính, tạo nguồn thu nhập ổn định ngoài lãi cho các ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng – Giám đốc Trung tâm tư vấn đào tạo, chuyển giao KH&CN Ngân hàng

phát biểu tại hội thảo

Tuy nhiên, hoạt động Bancassurance tại Việt Nam cũng đã nảy sinh một số rủi ro, bất cập do thiếu quy định pháp lý, đặt ra vấn đề quản lý nhà nước đối với hoạt động này tại Việt Nam. Chính vì vậy, đề tài của nhóm nghiên cứu rất có ý nghĩa khi đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện hoạt động Bancassurance hiện nay (bao gồm cả những thiếu sót của khung khổ pháp lý) và đưa ra những giải pháp, khuyến nghị chính sách nhằm phát triển hoạt động Bancassurance tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng nói.

Đại diện nhóm nghiên cứu trình bày tại hội thảo, Ths. Phạm Xuân Hòe – Chủ nhiệm Đề tài, nguyên Phó Viện trưởng Viện CLNH đã nhận định, kênh Bancassurance trở thành một kênh phân phối chính và chiếm tỷ trọng ngày càng cao bên cạnh các kênh phân phối bảo hiểm truyền thống khác. Mô hình hoạt động khá đa dạng trong đó mô hình thỏa thuận phân phối (độc quyền và không độc quyền) đang là mô hình được các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bảo hiểm triển khai nhiều nhất do tính đơn giản, dễ hợp tác và triển khai.

Ths. Phạm Xuân Hòe – Chủ nhiệm đề tài trình bày tại hội thảo

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bảo hiểm đã chú trọng đầu tư về nhân lực và bộ máy tổ chức cho hoạt động Bancassurance. Các tổ chức tín dụng đã thực hiện khá tốt việc cung cấp thông tin về kết quả đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm hàng ngày hoặc định kỳ hàng tuần, tháng, quý – Ths Hòe cho biết.

Dưới góc nhìn của NHTM, ông Đàm Nhân Đức – Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển, Thành viên Ban ALCO Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng lũy kế doanh thu phí bảo hiểm của các ngân hàng ở mức cao. Riêng tại Công Ty TNHH Bảo Hiểm Nhân Thọ MB Ageas Life (MBAL) đạt 123% và xếp thứ 5 về thị phần Bancassurance tại Việt Nam.

Ông Đàm Nhân Đức – Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển, Thành viên Ban ALCO Ngân hàng TMCP Quân đội

trình bày tại hội thảo

Bàn về các giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý Nhà nước đối với hoạt động Bancassurance tại Việt Nam, Ths. Phạm Xuân Hòe đã đưa ra 3 nhóm giải pháp bao gồm hoàn thiện khung khổ pháp lý về Bancassurance; hoàn thiện công tác cấp phép, thanh tra, giám sát và quản lý hoạt động Bancassurance và phát triển hoạt động Bancassurance của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bảo hiểm.

Tại hội thảo, ngoài việc nhóm nghiên cứu trình bày các nội dung chính của Đề tài, các đại biểu, chuyên gia tham dự đến từ nhiều đơn vị cũng đã trao đổi về các định hướng, giải pháp phát triển Bancassurrance từ góc độ cơ quan quản lý, chia sẻ bài học kinh nghiệm cũng như thực tiễn triển khai Bancassurrance tại Việt Nam.

Ảnh & Tin bài: Thời báo Ngân hàng; Viện Chiến lược Ngân hàng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *