Giáo dục tài chính là một vấn đề không còn mới trên thế giới, nó đã thu hút được sự quan tâm của chính phủ nhiều nước và sự tham gia của các tổ chức quốc tế như OECD và World Bank. Đặc biệt, từ sau cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008 xuất phát từ những nhận thức không đầy đủ về rủi ro của các khoản vay thế chấp dưới chuẩn và các chứng khoán được đảm bảo bởi các khoản vay này, vấn đề hiểu biết tài chính trong cộng đồng càng trở nên quan trọng và nhiều quốc gia đã đưa giáo dục tài chính lên thành các chiến lược quốc gia.
Theo OECD/INEF (2012), một chiến lược giáo dục tài chính quốc gia được định nghĩa là “một khuynh hướng tiếp cập của nước đó tới giáo dục tài chính mà trong đó một cấu trúc và chương trình đã/đang hoặc sắp được thực thi bao gồm: (i) Sự nhận thức tầm quan trọng của giáo dục tài chính, đưa ra được định nghĩa cũng như tầm ảnh hưởng ở tầm quốc gia dựa trên những nhu cầu và thiếu sót của nước sở tại; (ii) có sự tham gia của các cơ quan ban ngành có liên quan dưới sự chỉ đạo và giám sát của một cơ quan đầu mối; (iii) Xây dựng một lịch trình để đạt được những mục tiêu cụ thể đã được vạch ra trong một khoảng thời gian nhất định; (iv) Cung cấp những tài liệu hướng dẫn để chiến lược có thể áp dụng được bằng những chương trình cụ thể và chi tiết góp phần hoàn chỉnh một chiến lược quốc gia. Chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính có thể ra đời xuất phát từ nhiều tình huống khác nhau, chẳng hạn như từ việc gia tăng nhận thức về tầm quan trọng của hiểu biết tài chính hay từ nỗ lực tạo sự đồng thuận lớn hơn trong quá trình triển khai. Chương trình làm việc của chính phủ cũng đóng vai trò quyết định vì sự hỗ trợ về mặt chính trị cho chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với việc đảm bảo triển khai mà còn đối với việc duy trì chiến lược này.
Nhân tố khiến các nước triển khai chiến lược giáo dục tài chính quốc gia
Chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính có cơ hội phát triển mạnh hơn sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới khi mà vấn đề hiểu biết tài chính được đưa ra mạnh mẽ ở nhiều quốc gia. Ở một số nước, chiến lược giáo dục tài chính quốc gia được xây dựng trên cơ sở liên kết hay là một bộ phận của một chương trình cải cách hay ưu tiên chính sách quốc gia lớn hơn, đặc biệt là những cải cách hay ưu tiên chính sách trong lĩnh vực tài chính hay cấu trúc giám sát tài chính. Đây là trường hợp xảy ra ở Nam Phi, nơi những thay đổi thể chế đã dân tới sự ra đời của các cơ quan điều tiết mới, và ở Malaysia, nơi mà cải cách trong khu vực tài chính đã dẫn tới việc cải thiện cơ chế bảo vệ người tiêu dùng tài chính, trong đó giáo dục tài chính được coi là một cấu phần trọng yếu.
Ở một số nước khác, những bằng chứng về tình trạng hiểu biết tài chính thấp trong dân cư và những tác động bất lợi của nó đã dẫn tới sự ra đời của các chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính.
Ngoài ra, ở các nước mà một vài chương trình giáo dục tài chính đã được thực hiện, các quốc gia này nhận thấy sự thiếu phối hợp giữa các tổ chức đang tham gia giáo dục cho người sử dụng dịch vụ tài chính. Việc các tổ chức hoạt động độc lập mà không thể giải quyết một cách thấu đáo những khoảng cách về hiểu biết tài chính đang tồn tại trong nước. Do vậy, các cơ quan chính phủ của quốc gia quyết định can thiệp để điều phối những tổ chức đã tham gia vào hoạt động giáo dục tài chính nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chúng, như ở Estonia, Ireland, Ba Lan, Nam Phi, Canada[1].
Phạm vi và mục tiêu của chiến lược giáo dục tài chính quốc gia tại các nước
Mỗi quốc gia sẽ có những cách tiếp cận khác nhau khi tiến tới xây dựng một chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính. Các chiến lược quốc gia thường được hình thành theo hai hướng/hình thức, tuy nhiên hai hình thức này có sự tác động qua lại lẫn nhau. Theo cách thứ nhất và cũng là cách phổ biến nhất, các chiến lược quốc gia này là một bộ phận hoặc là phần bổ sung cho một chương trình quốc gia tổng thể nhằm gia tăng quyền lực cho người tiêu dùng tài chính (thường bao gồm bảo vệ người tiêu dùng tài chính và các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính). Theo cách thứ hai, chiến lược quốc gia được phát triển một cách độc lập và nhằm giải quyết những thách thức nhất định về hiểu biết tài chính.
Ở nhiều quốc gia, chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính là một bộ phận của một chương trình tổng thể lớn hơn (18 nước trong mẫu điều tra của OECD INFE). Ở hầu hết các nước này, chiến lược quốc gia gắn chặt chẽ ngay từ đầu với các chiến lược bảo vệ người tiêu dùng tài chính và được xem như một phần bổ sung cho hoạt động điều tiết trong lĩnh vực tài chính. Ngoài ra, sự ra đời của các chiến lược giáo dực tài chính quốc gia cũng bắt nguồn từ những thay đổi về cấu trúc của các thị trường tài chính hay những biến đổi về kinh tế, xã hội và dân số.
Tại các quốc gia mới nổi, việc phát triển các chiến lược giáo dục tài chính quốc gia thường bắt nguồn từ việc bổ trợ cho các giải pháp phổ cập tài chính nhằm nâng cao tỷ lệ dân số tiếp cận được các dịch vụ tài chính. Đây là trường hợp diễn ra ở Ấn Độ và Indonesia (và cả ở Mê hi cô). Ở các nước này, chiến lược giáo dục tài chính quốc gia được coi là một trụ cột của quá trình nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính.
Liên hệ thực tiễn ở Việt Nam và khuyến nghị
Từ khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đến nay, hệ thống tài chính và đặc biệt là hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tính đến quý II/2013, hệ thống các NHTM có 3 NHTM Nhà nước, 36 NHTM cổ phần, 4 ngân hàng liên doanh, 47 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Hệ thống các ngân hàng đã có mạng lưới bao phủ đến toàn bộ các tỉnh và thành phố trên cả nước. Một số chi nhánh của các ngân hàng còn có mặt tới tận huyện, thậm chí là xã, từ đó, ngày càng đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.
Cùng với sự gia tăng về số lượng mạng lưới, chi nhánh, chất lượng sản phẩm dịch vụ của ngành ngân hàng cũng ngày càng được đa dạng hóa để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài những sản phẩm dịch vụ truyền thống đã xuất hiện nhiều dịch vụ mới đòi hỏi một kiến thức tài chính cũng như sự hiểu biết nhất định. Do vậy, một chương trình giáo dục tài chính là tối cần thiết vừa góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của chính các ngân hàng, vừa trang bị/cung cấp những kiến thức tài chính cơ bản cho dân cư và các tổ chức, phục vụ cho công tác hỗ trợ nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ.
Một số khuyến nghị cụ thể được đưa ra như sau:
– Đưa giáo dục tài chính trở thành một chiến lược quốc gia với hai mục tiêu chính: (i) Bảo vệ người tiêu dùng tài chính, và (ii) Nâng cao hiểu biết của người dân đối với các sản phẩm tài chính. Cụ thể:
+ Xây dựng những chính sách và quy định trong các văn bản pháp luật chính thức về phổ biến kiến thức tài chính, từ đó định hình và phát triển những chương trình hành động, những chiến dịch nhằm nâng cao kiến thức tài chính cho toàn dân;
+ Xây dựng cơ chế giám sát và phối hợp thực hiện chương trình giáo dục tài chính giữa các cơ quan có liên quan; trong đó nhấn mạnh vai trò của NHNN, Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT;
+ Xác định đối tượng của các chương trình giáo dục tài chính phải được mở rộng, hướng đến người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa, người lao động nghèo; Lồng ghép chương trình phổ cập kiến thức tài chính với các chương trình an sinh xã hội.
– Xây dựng các chương trình giáo dục tài chính hỗ trợ hiệu quả và trực tiếp cho việc thực hiện Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế, cụ thể:
+ Gắn giáo dục tài chính với việc phát triển, quảng bá và sử dụng thực tế của một hoặc nhiều sản phẩm, dịch vụ đặc thù phù hợp với nhu cầu từng nhóm đối tượng, đặc biệt là cư dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa để trực tiếp củng cố lòng tin và tác động thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm tài chính của người dân.
+ Lựa chọn phương thức truyền thông và quảng bá kiến thức tài chính và sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng. Đối với người dân vùng sâu vùng xa, trình độ dân trí còn hạn chế, phát huy sức mạnh của phương tiện hình ảnh, âm thanh trực tiếp thông qua băng rôn và hệ thống phát thanh với các thông điệp ngắn gọn, dễ hiểu đi kèm với các lợi ích của việc tham gia chương trình để khuyến khích sự tham gia của người dân;
+ Triển khai giáo dục tài chính từ nhiều phía: từ các chương trình cộng đồng đến sự tham gia của khu vực tư nhân và sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài.
Tài liệu tham khảo:
1 – OECD (2005b), Improving Financial Literacy: Analysis of Issues and Policies
2 – Grifoni, A. and F. Messy (2012), “Current Status of National Strategies for Financial Education: A Comparative Analysis and Relevant Practices”, OECD Working Papers on Finance, Insurance and Private Pensions, No. 16, OECD Publishing.
3 – Viện Chiến Lược – NHNN (2014), Đề Án Nâng Cao Khả Năng Tiếp Cận Dịch Vụ, Phụ lục.
ThS. Nguyễn Thị Hiền, ThS. Phạm Xuân Lâm (Viện Chiến lược Ngân hàng) – Theo SBV.