Song song với quá trình tự do hóa tài chính, giáo dục tài chính đã không còn xa lạ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia đã thấy được tầm quan trọng của giáo dục tài chính bằng việc đưa giáo dục tài chính trở thành một chiến lược quốc gia. Tuy nhiên, ở Việt Nam, giáo dục tài chính còn khá mới và nhiều người dân còn chưa nhận thức rõ sự cần thiết của hiểu biết tài chính nói riêng và giáo dục tài chính nói chung đối với đời sống bản thân, nền kinh tế và tài chính toàn diện. Bài viết này sẽ khái quát các khái niệm căn bản, vai trò, xu hướng thế giới đối với giáo dục tài chính cũng như thực trạng hiểu biết tài chính ở Việt Nam và qua đó cho thấy việc định hình chiến lược giáo dục tài chính quốc gia là một giải pháp hiệu quả thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam.
- Khái niệm về giáo dục tài chính và hiểu biết tài chính
(i) Giáo dục tài chính
Theo OECD (2005), giáo dục tài chính được hiểu là “một quá trình trong đó người tiêu dùng/nhà đầu tư cải thiện sự hiểu biết về các sản phẩm tài chính, các khái niệm và rủi ro tài chính, dựa trên những thông tin, hướng dẫn và tư vấn khác mà phát triển các kỹ năng, sự tự tin để nhận biết các rủi ro cũng như cơ hội tài chính, từ đó đưa ra các quyết định trên cơ sở đầy đủ thông tin, hoặc biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ, và hành động một cách hiệu quả nhằm cải thiện tình trạng tài chính của mình.”
(ii) Hiểu biết tài chính
Đến nay, một định nghĩa chung về “hiểu biết tài chính” vẫn chưa có sự thống nhất, mà thường được điều chỉnh hay thay đổi tùy thuộc vào từng nghiên cứu, chương trình triển khai của mỗi tổ chức quốc tế hoặc quốc gia. Tuy nhiên, có thể sử dụng khái niệm của OECD bởi định nghĩa này phản ánh được những nhân tố cơ bản của hiểu biết tài chính. Theo đó, hiểu biết tài chính được định nghĩa là tổng hợp nhận thức, kiến thức, kỹ năng, thái độ và hành vi tài chính cần thiết để có thể đưa ra các quyết định tài chính lành mạnh và cuối cùng đạt được lợi ích tài chính (OECD, 2012).
Như vậy, hiểu biết tài chính có thể coi là kết quả của giáo dục tài chính. Nhờ giáo dục tài chính, con người mới có hiểu biết tài chính. Thông qua hiểu biết tài chính, giáo dục tài chính thể hiện vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy tài chính toàn diện ở mỗi quốc gia.
- Vai trò của giáo dục tài chính và hiểu biết tài chính trong tài chính toàn diện
Một điều tra về khả năng tiếp cận tài chính của người dân do OECD/INFE (2013) thực hiện với nhiều quốc gia đã kết luận, việc thiếu kiến thức về đặc điểm cũng như điều kiện sử dụng các loại sản phẩm/dịch vụ tài chính dẫn đến sự thiếu tự tin, có hành vi ngại tiếp cận và thái độ không tin tưởng đối với các sản phẩm/dịch vụ tài chính trên thị trường tài chính chính thức. Điều này tạo ra rào cản lớn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính trên thị trường chính thức, gia tăng số lượng người khó tiếp cận sản phẩm ngân hàng, thúc đẩy sự xuất hiện các sản phẩm/dịch vụ tài chính phi chính thức (thị trường tài chính đen). Giáo dục tài chính có thể cung cấp những kiến thức cần thiết về sản phẩm/dịch vụ tài chính chính thức cho người dân, tạo niềm tin và sự tự tin để chủ động tiếp cận đến các sản phẩm, dịch vụ sẵn có trên thị trường chính thức, hạn chế sự mở rộng của thị trường tài chính phi chính thức, trực tiếp thúc đẩy tài chính toàn diện ở mỗi quốc gia.
Bên cạnh đó, giáo dục tài chính còn hỗ trợ sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính và nền kinh tế, là tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội của quốc gia. Cụ thể, khi được tăng cường hiểu biết tài chính, người tiêu dùng tài chính có khả năng so sánh và đánh giá chất lượng các loại hình sản phẩm tài chính khác nhau để lựa chọn ra sản phẩm phù hợp nhất với tình hình tài chính bản thân. Điều này đòi hỏi các tổ chức tài chính phải không ngừng cải tiến và sáng tạo các sản phẩm dịch vụ tài chính để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng tài chính, khiến thị trường tài chính không ngừng cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy thị trường tài chính phát triển và hoàn thiện hơn. Hơn nữa, nhờ giáo dục tài chính, cá nhân/hộ gia đình sẽ có xu hướng tiết kiệm và quản lý ngân sách tốt hơn, giúp gia tăng nguồn lực tiết kiệm trong dân, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư cho xã hội, tạo hiệu ứng tích cực cho đầu tư và tăng trưởng nền kinh tế.
Thêm vào đó, giáo dục tài chính sẽ giúp cá nhân/hộ gia đình biết cách tự bảo vệ mình, biết phát hiện và thông báo cho cơ quan quản lý những sai phạm của các tổ chức trung gian tài chính. Điều này sẽ hỗ trợ hoạt động giám sát được dễ dàng hơn, giảm nhẹ nguồn lực của Nhà nước vào việc giám sát, kiểm tra và xử lý sai phạm, và trên hết là tạo một môi trường kinh tế – tài chính lành mạnh, bền vững làm cơ sở cho từng cá nhân, doanh nghiệp phát triển, cải thiện kinh tế, rồi từ đó lại tạo ra động lực mới cho sự phát triển của thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung, hình thành một vòng tròn phát triển bền vững với những bước tiến mới trong đời sống kinh tế – xã hội.
Như vậy, thông qua giáo dục tài chính, hiểu biết tài chính không chỉ góp phần trực tiếp gia tăng số lượng người trưởng thành tiếp cận và sử dụng các sản phẩm/dịch vụ tài chính, thúc đẩy tài chính toàn diện mà còn gián tiếp hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia như thúc đẩy luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, tăng tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh cho thị trường tài chính, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện cho mỗi quốc gia.
- Hiện trạng giáo dục tài chính và mức độ hiểu biết tài chính tại Việt Nam
Về mức độ hiểu biết tài chính, các cuộc điều tra nghiên cứu cho thấy người dân Việt Nam, đặc biệt người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa đang đối mặt với thực trạng năng lực hiểu biết tài chính khá thấp so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ người tiếp cận đến dịch vụ tài chính chính thức của Việt Nam rất thấp (theo WB, Việt Nam chỉ có 31% người dân có tài khoản tại tổ chức tín dụng, và với vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa thì con số này còn thấp hơn, 27%), khiến Việt Nam chỉ đứng 103/144 về mức độ sẵn có về dịch vụ tài chính trong Báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2015 – 2016 của Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum – WEF). Cuộc điều tra của Standard & Poor năm 2014 về mức độ hiểu biết tài chính cho thấy Việt Nam ở vị trí thấp hơn nhiều so với các nước cùng khu vực (Bảng 1) bởi chỉ ¼ dân số trưởng thành có năng lực ‘hiểu biết tài chính’.
Bảng 1 – Điều tra về hiểu biết tài chính toàn cầu của Standard & Poor’s năm 2014 | |
Quốc gia | Người trưởng thành có hiểu biết tài chính (%) |
Campuchia | 18 |
Trung Quốc | 28 |
Indonesia | 32 |
Malaysia | 36 |
Philippines | 25 |
Thái Lan | 27 |
Việt Nam | 24 |
Điều tra mới nhất của OECD và ADBI năm 2016 cũng chỉ ra chỉ số hiểu biết tài chính của Việt Nam là thấp nhất (11.6) so với một số nước được lựa chọn so sánh trong khu vực và quốc tế (Hình 1)
Hình 1 – Chỉ số hiểu biết tài chính của một số nước
Nguồn: OECD & ADBI (2016)
Ở Việt Nam, trong những năm qua, đã xuất hiện một số chương trình thúc đẩy giáo dục tài chính nhằm nâng cao hiểu biết tài chính do một số ngân hàng thương mại cổ phần và công ty tư vấn tài chính triển khai. Đối tượng mà các chương trình này hướng đến cũng rất đa dạng, từ học sinh tiểu học, trung học, sinh viên đại học đến những người tiêu dùng tài chính. Hình thức tổ chức cũng rất đa dạng: lớp học ngoại khóa, gameshow; tọa đàm, video hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính và giới thiệu các dịch vụ tài chính – ngân hàng… Tiêu biểu có thể kể đến một số ngân hàng và công ty tài chính như: HSBC, Quỹ Citi Foundation, Công ty Visa International, Home Credit Vietnam, Sacombank, Creative Wealth Việt nam…
Một số chương trình giáo dục tài chính tiêu biểu có thể kể đến như:
- Chương trình giáo dục tài chính của HSBC: Chương trình JA More than Money cho học sinh tiểu học, thư viện tài chính trực tuyến, Chương trình “quản lý tài chính và hướng nghiệp” dành cho sinh viên.
- Quỹ Citi Foudation – Chương trình “Giáo dục tài chính cho học sinh phổ thông trung học”
- Công ty Visa International – Chương trình “Giáo dục kỹ năng quản lý tài chính cho tất cả mọi người”
- Sacombank – Chương trình “ Giáo dục con trẻ về tài chính”
- Home Credit Viẹtnam – Chương trình giáo dục tài chính cho người tiêu dùng
- Creative Wealth Vietnam: Kiến thức tài chính cho gia đình – thanh thiếu niên và người trưởng thành.
Nhìn chung, tất cả các chương trình giáo dục tài chính trên mà một số ngân hàng và công ty tài chính triển khai đều là những nội dung giáo dục tương đối mới mẻ, mang tính bổ trợ cao, có thể cung cấp nhiều kiến thức bổ ích để giúp người tham gia có cơ hội tiếp xúc và cải thiện nền tảng kiến thức tài chính, có ý niệm về việc lên kế hoạch tài chính cá nhân, đầu tư và tiết kiệm… Tuy nhiên, với cách thức triển khai và đối tượng hướng tới, các chương trình giáo dục tài chính này vẫn có những mục tiêu riêng rẽ, tách biệt, chủ yếu tập trung vào vấn đề thương mại, quảng bá hình ảnh, sản phẩm của tổ chức, qua đó góp phần nâng cao lợi nhuận, thị phần…theo ngắn hạn chứ chưa mang tính chất một chương trình tầm cỡ quốc gia, được tổ chức quy mô và có lộ trình dài hạn phục vụ mục tiêu nâng cao hiểu biết tài chính cho cộng đồng.
Bên cạnh các ngân hàng và công ty tư vấn tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bảo hiểm tiền gửi Việt nam là những cơ quan Nhà nước hiện đang triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận biết của người dân về lĩnh vực tài chính – ngân hàng như tuyên truyền bằng tờ rơi, website, phối hợp với các báo điện tử, báo in, tuyên truyền trên đài phát thanh, phát sóng trên truyền hình.. Tuy nhiên, đây chỉ là những chương trình triển khai phục vụ mục tiêu nâng cao niềm tin công chúng, chủ yếu tuyên truyền về chính sách chứ chưa phải là các chương trình quốc gia về giáo dục tài chính cho người dân. Các hoạt động này tuy đã có định hướng nâng cao hiểu biết tài chính của người dân nhưng chưa có chương trình khảo sát đo lường hiểu biết tài chính của công chúng, hay tổ chức đào tạo, giáo dục tài chính, tư vấn như nhiều tổ chức trên thế giới đã thực hiện.
- Xu hướng thế giới về xây dựng Chiến lược giáo dục tài chính
Với vai trò trọng yếu của giáo dục tài chính đối với tài chính toàn diện và sự phát triển bền vững của nền kinh tế – xã hội trong mỗi quốc gia như đã phân tích ở trên, các tổ chức quốc tế như OECD và WB cũng như nhiều quốc gia cam kết tăng cường tài chính toàn diện đều nhận định xây dựng chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính là cần thiết. Theo kết quả khảo sát của OECD/INFE (2015) thì đã có 59 quốc gia đã, đang xây dựng, triển khai thực hiện Chiến lược giáo dục tài chính cho quốc gia của mình cùng 6 quốc gia khác cũng bắt đầu có dự định xây dựng Chiến lược giáo dục tài chính trên phạm vi quốc gia. So với con số 36 nước triển khai năm 2012, sự gia tăng mạnh mẽ của các quốc gia thực thi chiến lược giáo dục tài chính năm 2015 đã cho thấy việc xây dựng và triển khai Chiến lược là hiệu quả để thực hiện trụ cột giáo dục tài chính trong tài chính toàn diện ở mỗi quốc gia.
Về mặt đối tượng, hầu hết chính phủ các quốc gia này đều xác định toàn dân là đối tượng mục tiêu của chiến lược giáo dục tài chính quốc gia, nhưng bên cạnh đó cũng xác định những nhóm đối tượng ưu tiên cụ thể. Trong 35 nước trả lời khảo sát của OECD/INFE năm 2012, có tới hơn một nửa (52%) cho biết mục tiêu giáo dục tài chính là tới toàn dân, 18% cho biết thêm rằng ngoài mục tiêu toàn dân, họ cũng tập trung vào một số nhóm đối tượng nhất định. Thế hệ trẻ (thanh thiếu niên) thường là nhóm đối tượng ưu tiên của đa số các quốc gia thực thi Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, tiếp đó là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương (tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng quốc gia). Dù vậy, một đặc điểm chung trong chiến lược giáo dục tài chính của các quốc gia này là đều dựa trên các nhóm đối tượng mục tiêu để đưa ra các giải pháp cũng như các nội dung giáo dục tài chính phù hợp. Ví dụ như chương trình giáo dục tài chính ở mọi cấp học (từ cấp 1 cho đến cấp 3, cao đẳng, đại học, trường dạy nghề) để hướng tới giới trẻ, chương trình giáo dục tài chính hướng tới phụ nữ (ở Brazil, Ấn Độ, Malaysia Indonesia, Ả – rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ), dành cho người nhập cư (Canada, Malaysia, Indonesia và Mexico), các chủ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (Brazil, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Ả – rập xê-út và Tây Ban Nha), người lao động, người có thu nhập thấp và người già (Malaysia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Hàn quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ), người tàn tật (Malaysia, Indonesia, Lào, Thái Lan)
Bảng 2: Mức độ triển khai chiến lược giáo dục tài chính quốc gia ở các nước, 2015
Chiến lược quốc gia | Tổng | Nước |
Các nước đã thực hiện và đang đánh giá kết quả chiến lược đầu tiên hoặc đang triển khai chiến lược thứ hai | 11 | Úc, Cộng hòa Séc, Nhật bản, Malaysia, Hà Lan; Niu Di Lân; Singapore, Slovakia; Tây Ban Nha; Anh; Mỹ |
Các nước đã triển khai chiến lược (đầu tiên) | 23 | Armenia; Bỉ; Brazil; Canada; Croatia; Đan Mạch; Estonia; Ghana; Hồng Kông; Trung Quốc; Ấn Độ; Indonesia; Cộng hòa Ailen; Israel; Hàn Quốc; Latvia; Mô – rô – cô; Nigeria; Bồ Đào Nha; Liên bang Nga; Slovenia; Nam Phi; Thụy Điển; Thổ Nhĩ Kỳ |
Các nước đang xây dựng chiến lược quốc gia (chưa triển khai) | 25 | Argentina; Chi-lê; Trung Quốc; Cô – lôm – bia; Costa Rica; El Salvador; Pháp; Guatemala; Kenya; Kyrgyzstan; Lebanon; Malawi; Mê – xi – cô; Pakistan; Paraquay; Peru; Phần Lan; Ru-ma-ni; Ả – rập Xê út; Serbia; Tanzania; Thái Lan; Uganda; Uruguay; Zambia |
Các nước đã bắt đầu cân nhắc một chiến lược quốc gia (chưa triển khai) | 6 | Áo; Macedonia (FYROM); Philippines; Ukraine; Zimbabwe. |
(Nguồn: Kết quả nghiên cứu của OECD/INEF 2015)
Về hình thức chủ trì thực hiện, theo nghiên cứu của OECD, tổ chức đứng ra chủ trì, triển khai thực hiện chiến lược giáo dục tài chính thường là các cơ quan phụ trách về vấn đề tài chính như Ngân hàng trung ương hoặc Bộ tài chính. Chẳng hạn như ở Malaysia, Comlumbia, Bồ Đào Nha, Philippines là Ngân hàng trung ương hay Séc, Hà Lan là Bộ Tài chính. Đặc biệt ở một số nước như Canada thì Chính phủ thành lập riêng một ủy ban chuyên trách về giáo dục tài chính. Dù cơ quan chủ trì đóng vai trò quan trọng thì việc triển khai chiến lược giáo dục tài chính luôn đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cơ quan công quyền như Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương, Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Thống kê và Điều tra, Bộ Lao động xã hội, Ủy ban chứng khoán, Cơ quan bảo hiểm tiền gửi….
Về kinh phí thực hiện, chính phủ thường xây dựng một quỹ riêng cho hoạt động phát triển chiến lược hoặc tập hợp từ nhiều nguồn như nguồn ngân sách nhà nước hay nguồn từ các các cơ quan công quyền (Bộ tài chính, Ngân hàng trung ương và các cơ quan lập pháp), nguồn ủng hộ từ khu vực tư nhân và các khu vực khác (NGOs, tổ chức quốc tế).
- Chiến lược giáo dục tài chính – giải pháp hiệu quả thúc đẩy hiểu biết tài chính tại Việt Nam
Như vậy, qua những phân tích trên về vai trò của giáo dục tài chính, hiểu biết tài chính đối với nền kinh tế trên thế giới, thực trạng hiểu biết tài chính và giáo dục tài chính ở Việt nam cũng như xu hướng triển khai chiến lược giáo dục tài chính trên thế giới, có thể thấy chiến lược giáo dục tài chính là một giải pháp khả thi, lâu dài, mang tầm cỡ quốc gia để có thể nâng cao hiểu biết tài chính cho mọi tầng lớp người dân, từ đó thúc đẩy tài chính toàn diện và thực hiện các mục tiêu kinh tế -xã hội của đất nước một cách bền vững tại Việt Nam.
Theo đó, mục tiêu của chiến lược giáo dục tài chính sẽ là hình thành năng lực hiểu biết tài chính cơ bản (kiến thức, hành vi, thái độ về tài chính) cho thế hệ trẻ, những người trưởng thành chưa có kiến thức tài chính, những người có nhu cầu sử dụng sản phẩm/dịch vụ tài chính và cả những người yếu thế (phụ nữ, người già, người tàn tật).
Trong đó, trụ cột xuyên suốt chiến lược giáo dục tài chính là xây dựng một khung chương trình giảng dạy về giáo dục tài chính cho thế hệ trẻ tương lai. Theo đó, chiến lược sẽ thiết lập một chương trình giảng dạy giáo dục tài chính xuyên suốt các cấp học, từ cấp 1 cho đến cao đẳng, đại học với mục tiêu hình thành kiến thức tài chính vững mạnh và có hệ thống, định hình thói quen tốt cho thế hệ trẻ ngay từ bé, giúp thế hệ trẻ không bỡ ngỡ trước vấn đề tiền bạc và tài chính khi bắt đầu bước vào cuộc sống xã hội hoặc thực sự sống tự lập (thời gian sau đại học). Tùy theo năng lực tiếp thu, tiếp nhận nguồn kiến thức ở mỗi cấp học mà đưa ra các chương trình học (curriculum) phù hợp. Ngoài ra, để tránh việc chỉ truyền tải kiến thức suông, cứng nhắc và thiên về lý thuyết, ở mỗi cấp học đều sẽ đưa ra các hoạt động ngoại khóa (extra curricurlum) liên quan trực tiếp đến các bài học về tài chính nhằm tăng khả năng tiếp thu và học hỏi ở học sinh. Hiện nay, có sự chênh lệch lớn về cơ sở vật chất dạy học giữa đô thị và vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khiến cho việc thiết lập một khung chương trình giảng dạy thống nhất ở phạm vi quốc gia là khó khăn. Hơn nữa, các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa không đủ điều kiện tài chính để thiết lập các hoạt động ngoại khóa cho các em ứng dụng thực tiễn của các bài học tài chính trên lớp. Thêm vào đó, chính bản thân giáo viên các cấp và đại học ở nhiều nơi cũng hạn chế về năng lực hiểu biết tài chính, gây khó khăn trong việc đào tạo hướng dẫn giáo viên các cấp học về giáo dục tài chính cho học sinh của mình. Do đó, đến nay, thiết lập một khung chương trình giảng dạy về giáo dục tài chính ở các cấp học và cách thức tập huấn hiệu quả cho các giáo viên các cấp học vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và hoàn thiện.
Ngoài giáo dục tài chính ở thế hệ trẻ, một chương trình giáo dục tài chính dành cho người trưởng thành có nhu cầu sử dụng dịch vụ hoặc chưa có hiểu biết tài chính cũng như nhóm người yếu thế (người phụ nữ, người tàn tật) cũng sẽ được thành lập. Một giải pháp đang được định hướng thực hiện là xây dựng một chương trình truyền hình về giáo dục tài chính với những kiến thức tài chính cơ bản cần biết cho mọi lứa tuổi trong khung thời gian phát sóng phù hợp; đồng thời thiết lập một trang điện tử (website) chuyên về bồi dưỡng kiến thức tài chính để mọi người dân có thể tiếp cập. Giải pháp được đề xuất bởi vì việc coi tivi đã trở thành phổ biến và rộng khắp cả đô thị và vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và mạng Internet cũng đã phổ cập ở nhiều vùng ở Việt Nam.
Kết luận
Thực tiễn nhiều quốc gia đã chứng minh tầm quan trọng của giáo dục tài chính cũng như hiểu biết tài chính đến mỗi người dân, đến sự phát triển ổn định bền vững của mỗi nền kinh tế – xã hội. Điều này giải thích cho xu hướng xây dựng Chiến lược giáo dục tài chính như một biện pháp lâu dài nhằm tăng cường hiểu biết tài chính ở hơn 60 quốc gia trên thế giới. Do đó, để bắt kịp xu hướng thế giới, để tăng cường hiểu biết tài chính và qua đó thúc đẩy tài chính toàn diện và hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững, cần thiết phải sớm xây dựng và triển khai Chiến lược giáo dục tài chính ở Việt Nam. Tuy nhiên, kinh nghiệm các quốc gia thực thi Chiến lược giáo dục tài chính cũng cho thấy cần có sự chung tay góp sức của mỗi cơ quan công quyền cũng như của mỗi người dân thì mới có thể triển khai thành công Chiến lược giáo dục tài chính trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
- Atkinson, A. và F. Messy. 2013. Promoting Financial Inclusion through Financial Education – OECD/INFE Evidence, Policies and Practice, OECD Working Papers on Finance, Insurance and Private Pensions.
- Hood, J., Stein, W., and McCann, C. 2009. Low-cost insurance schemes in Scottish social housing – an empirical study of availability and tenants’ participation.
- OECD. 2005. Improving Financial Literacy: Analysis of issues and policies.
- OECD. 2012. PISA – Financial litercay Framework.
- OECD.2015. National Strategies Financial Education Policy Handbook.
- Schwab, K., Sala-i-Martin, X., & Brende, B. (2015). The Global Competitiveness Report 2015 – 2016 (vol 5.)
ThS. Nguyễn Thị Hương Thanh
Viện Chiến lược ngân hàng