Tài chính toàn diện (financial inclusion) hay còn gọi là tài chính bao trùm, được hiểu khái quát là các dịch vụ tài chính được cung ứng tới mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là đối với nhóm người dễ bị tổn thương, theo cách thức thuận tiện và phù hợp với nhu cầu, nhằm thông qua đó góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Tài chính toàn diện được coi là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững. Trải qua nhiều thập kỷ, tài chính toàn diện đã trở thành tầm nhìn chung của toàn thế giới trong sứ mệnh xóa đói, giảm nghèo, hướng tới một xã hội ổn định, công bằng và thịnh vượng, nơi mọi người đều được thụ hưởng những thành quả do phát triển kinh tế đem lại.
Nhiều nghiên cứu thuộc các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia khác nhau (đặc biệt là các quốc gia mới nổi hoặc đang phát triển) đã chứng minh rằng tài chính toàn diện mang lại những lợi ích không nhỏ về mặt kinh tế – xã hội nói chung và đối với mỗi thành viên trong xã hội nói riêng. Có thể khái quát ý nghĩa của tài chính toàn diện đối với sự phát triển kinh tế xã hội như sau: Thứ nhất, tạo ra những tác động tích cực thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế, thông qua việc gia tăng tiết kiệm và đầu tư; Thứ hai, cung cấp một nền tảng thúc đẩy giáo dục tài chính, tạo thói quen tiết kiệm, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp, luôn sống dưới áp lực tài chính, thiếu kỹ năng quản lý dòng tiền, làm cho họ trở thành nhóm dễ bị tổn thương; Thứ ba, tạo điều kiện phát triển tín dụng lành mạnh tới những nhóm đối tượng trước đó bị phụ thuộc vào những nguồn tiền vay khác như từ gia đình, bạn bè hay tín dụng đen; tạo ra các kênh thanh toán, chuyển tiền mới tới những đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng và phải sử dụng các loại hình chuyển tiền phi chính thức tốn kém và rủi ro khác; Thứ tư, tạo niềm tin thúc đẩy nhu cầu đầu tư, kinh doanh, cải thiện năng suất lao động tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa; và Thứ năm, là một phương thức chống thất thoát trong việc phân phối những khoản trợ cấp và các khoản phúc lợi khác của Chính phủ thông qua tài khoản.
Những nỗ lực toàn cầu thúc đẩy tài chính toàn diện
Cuối những năm 2000, tài chính toàn diện đã dần bộc lộ vai trò thiết yếu của mình trong giải quyết các vấn đề kinh tế – xã hội quan trọng như giảm nghèo đói, giảm chênh lệch thu nhập, giảm bất bình đẳng xã hội, gia tăng phúc lợi xã hội, thúc đẩy phát triển và tăng cường ổn định tài chính ở mỗi quốc gia cũng như trên bình diện thế giới. Đặc biệt là kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày càng chú trọng hơn tới tầm quan trọng của tài chính toàn diện và có nhiều hành động thiết thực và cụ thể để thúc đẩy tài chính toàn diện ở từng quốc gia. Với sự hỗ trợ của Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation, Liên minh tài chính toàn diện (Alliance for Financial Inclusion) được thiết lập với mục tiêu liên kết mọi nhà hoạch định chính sách và các quốc gia ở mọi khu vực trên thế giới để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc thúc đẩy chính sách tài chính toàn diện ở mỗi quốc gia, với mục tiêu đưa 2,5 tỷ người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Đến năm 2011, khi Tuyên bố Maya (Maya Declaration) được AFI đưa ra thì thúc đẩy tài chính toàn diện đã trở thành vấn đề chiến lược của nhiều quốc gia. Tuyên bố Maya là một bản cam kết thực hiện một số nguyên tắc để thúc đẩy tài chính toàn diện một cách tốt nhất mà nhiều quốc gia thành viên đã ký cam kết thực hiện. Một số quốc gia đi đầu đã ban hành chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện để thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu dài hạn thúc đẩy tài chính toàn diện. Thực tế được minh chứng bởi nhiều nghiên cứu của World Bank, cho thấy các quốc gia ban hành và thực hiện chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện (Brazil, Malaysia, Nambia và Tanzania) có mức độ tài chính toàn diện cao hơn là những nước thực thi tài chính toàn diện mà không thông qua chiến lược. Trên hết, cả World Bank và Liên minh Tài chính toàn diện (AFI) đều nhận định Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia sẽ thiết lập nên hệ thống các chiến lược bộ phận, các kế hoạch hành động thống nhất từ các cấp, từ trung ương đến địa phương, tạo sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các bên tham gia, và đồng thời cũng tận dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có một cách hệ thống, giúp tiết kiệm chi phí và tập trung nguồn lực trong quá trình thực thi tài chính toàn diện giữa các bên có liên quan
Hơn thế nữa, từ khi tuyên bố Maya hình thành năm 2011 đến nay, không chỉ AFI mà nhiều tổ chức quốc tế khác như G20, WB và ADB cũng đã hỗ trợ nhiều quốc gia xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện như một giải pháp hữu hiệu giải quyết đói nghèo, giảm bất bình đẳng xã hội và phát triển bền vững. Năm 2011, chỉ có 17 quốc gia thành viên tham gia Tuyên bố Maya với 8 quốc gia tiên phong triển khai chiến lược tài chính toàn diện (Malaysia, Solomon Islands, Namibia, , Malawi; Morocco, Brazil, Mexico, Nga). Đến đầu năm 2016, với 95 nước thành viên, đã có 58 nước ký cam kết đi theo Tuyên bố Maya, chiếm 61% tổng nước thành viên hiện có và cũng chiếm 54% tỷ lệ người dân không có tài khoản ngân hàng trên tổng dân số thế giới. Trong 58 nước thành viên ký cam kết này, thì có 31 quốc gia đã, đang triển khai Chiến lược tài chính toàn diện tại nước mình và 27 quốc gia thành viên còn lại đang trong giai đoạn xây dựng Chiến lược tài chính toàn diện của riêng mình. Trong vòng 5 năm số lượng quốc gia đi theo chính sách xây dựng chiến lược tài chính toàn diện đã tăng gần 6 lần.
Riêng đối với tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), từ năm 2005, khi quốc gia thành viên Mexico bắt tay vào thực thi một số giải pháp phát triển tài chính vi mô, APEC đã nhận thức vai trò quan trọng của tài chính toàn diện song chú trọng hơn vào việc giảm loại trừ tài chính (financial exclusion), chủ yếu hướng tới các giải pháp phát triển tài chính vi mô, ngân hàng vi mô và doanh nghiệp vi mô. Dù vậy, đến 2010, APEC mới thấy cần thiết mở rộng phạm vi của tài chính toàn diện ra khỏi giới hạn của tài chính vi mô với một ý nghĩa xã hội rộng lớn hơn để đạt hiệu quả thực hiện cao hơn, nên từ 2011, Diễn đàn về tài chính toàn diện của APEC đã được tổ chức định kỳ hàng năm nhằm chia sẻ kinh nghiệm quản lý và các sáng kiến giải pháp chính sách tốt nhất nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện ở các nước thành viên.
Diễn đàn đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các tổ chức quốc tế quan trọng như Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), tập đoàn vốn GE, Doanh nghiệp tài chính quốc tế (International Finance Corporation – IFC), Nhóm Tư vấn hỗ trợ người nghèo (CGAP), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật bản (JICA), Hội đồng nghiên cứu kinh tế và chính sách (PERC). Mạng lưới ngân hàng với người nghèo (BWTP), Hiệp hội tổ chức tài chính phát triển ở châu Á và Thái Bình Dương (ADFIAP), Liên minh tín dụng Châu Á – Thái Bình Dương (APPC), Hiệp hội tài chính vi mô Trung Quốc (CAM), Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IIMA), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Trung tâm nghiên cứu APEC ÚC (AASC), Tổ chức ngân hàng bán lẻ và tiết kiệm thế giới (WSBI), Citi và TRPC. Đến nay, APEC không chỉ dừng ở tài chính toàn diện mà muốn sự “toàn diện” (inclusion) được bộc lộ ở cả mặt kinh tế và xã hội nhằm hướng tới một cộng đồng kinh tế APEC phát triển với 3 trụ cột vững mạnh, bao gồm tài chính toàn diện (financial inclusion), kinh tế toàn diện (economic inclusion) và xã hội toàn diện (social inclusion). Đối với tài chính toàn diện, APEC vẫn tiếp tục nghiên cứu một khuôn khổ chiến lược tài chính toàn diện mà có thể áp dụng cho mỗi quốc gia thành viên APEC hoặc có thể làm cơ sở thông lệ quốc tế để mỗi thành viên có thể sử dụng và thiết lập nên chiến lược tài chính toàn diện cho riêng quốc gia mình.
Trong năm APEC 2017 tại Việt Nam, một trong những chủ đề chính được đưa ra thảo luận là tài chính toàn diện và vai trò của tài chính toàn diện đối với sự phát triển nông nghiệp nông thôn. Không phải ngẫu nhiên chủ đề này được nước chủ nhà Việt Nam lựa chọn và nhận được sự ủng hộ của các quốc gia thành viên, mà xuất phát từ ý nghĩa hết sức lớn lao đối với sự phát triển bền vững, đặc biệt đối với Việt Nam.
Ý nghĩa của tài chính toàn diện đối với Việt Nam
Với một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp và dân số trên 90 triệu người, quá trình đổi mới sau hơn 30 năm qua tại Việt Nam đã giúp Việt Nam chuyển mình từ một nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu sang một quốc gia có thu nhập trung bình của thế giới từ năm 2010, với qui mô kinh tế đạt 4192,9 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 200 tỷ USD) và thu nhập bình quân đầu người khoảng 2109 USD năm 2015 (TCTK, 2016). Về mặt xã hội, Việt Nam cũng đạt thành tích xóa đói giảm nghèo đáng ghi nhận. Theo chuẩn của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ mức 58% năm 1993, xuống 29% vào năm 2002, và 5,9% năm 2014, trong vòng 20 năm 30 triệu người đã thoát khỏi cảnh nghèo đói. Hiện tại, Việt Nam chỉ còn hơn 9% hộ nghèo nếu áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều. Tuy nhiên, có tới 95% người nghèo sống ở nông thôn. Với sự phụ thuộc của dân cư nông thôn vào sản xuất nông nghiệp, việc suy giảm tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp một số năm gần đây có thể kéo theo sự suy giảm thu nhập và tiêu dùng của người dân nông thôn, và sẽ tiếp tục làm gia tăng khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị.
Mặc dù tài chính toàn diện dường như mới du nhập vào Việt Nam, nhưng nội hàm của nó cũng đã được Chính phủ quan tâm chú trọng từ nhiều năm trước. Các quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp trong các chiến lược phát triển lớn của Việt Nam như các Chiến lược phát triển kinh – tế xã hội từng giai đoạn, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam 2011 – 2020 đều hướng tới việc nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân; Tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, các phúc lợi xã hội; Thực hiện có hiệu quả hơn chính sách giảm nghèo phù hợp với từng thời kỳ; Có chính sách và các giải pháp phù hợp nhằm hạn chế phân hoá giàu nghèo, giảm chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị; Xây dựng đồng bộ, nâng cao chất lượng và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống pháp luật, thể chế và các chính sách phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, bảo vệ và trợ giúp các đối tượng dễ bị tổn thương trong nền kinh tế thị trường.
Nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, giải pháp cụ thể để hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách, các doanh nghiệp nhỏ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn đã được thực hiện. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo (Nghị quyết 30a của Chính phủ) đến nay đã thực hiện được 3 giai đoạn với đối tượng của chương trình là người nghèo, hộ nghèo, xã đặc biệt khó khăn, xã nghèo; Chương trình Phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi (Chương trình 135) đã được triển khai thực hiện ở giai đoạn 2; Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chính sách hỗ trợ tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn được triển khai từ năm 2010 theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP, đã được sửa đổi, bổ sung và thay thế bằng Nghị định 55/2015/NĐ-CP, với những bước đột phá mở rộng cả về đối tượng, hạn mức và thủ tục vay, nhằm khơi thông dòng vốn tín dụng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, ưu tiên vốn vay cho các tổ chức đầu mối tham gia mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành được triển khai từ 2006 và đến nay đã bước sang giai đoạn thứ 3 (2016 – 2020) với Quyết định phê duyệt số 2545 ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ, tạo cơ hội phát triển mạnh thanh toán điện tử; Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020; Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế với mục tiêu đến năm 2020, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng cơ bản phù hợp với nhu cầu, có chất lượng, có mức chi phí hợp lý đối với đại bộ phận dân cư ở độ tuổi trưởng thành và doanh nghiệp, nhất là dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, dựa trên hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, lành mạnh, có trách nhiệm và phát triển bền vững…
Như vậy, tài chính toàn diện không phải là một vấn đề mới và quá xa lạ với Việt Nam. Tuy nhiên, các chính sách, chương trình nói trên chưa được đặt trong một khuôn khổ chung mang tính hệ thống, mà mới chỉ được Bộ ngành triển khai theo chức năng nhiệm vụ của mình nên thiếu sự đồng bộ, sự gắn kết chặt chẽ giữa các ban ngành liên quan theo một mục tiêu nhất quán, khiến kết quả các chính sách, chương trình mới chỉ góp một phần giải quyết phần nào nội dung của tài chính toàn diện. Nhiều nhận định cho rằng trong khi những người dân đô thị và các doanh nghiệp lớn tiếp cận khá dễ dàng đến các dịch vụ do các ngân hàng cung cấp thì nhóm đối tượng dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa, và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đang gặp không ít trở ngại. Vì vậy, theo số liệu WB năm 2014, so với các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam vẫn có tỷ lệ người có tài khoản tại TCTD ở mức thấp hơn (31%), đặc biệt ở vùng nông thôn (chỉ 27%). Theo báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2014-2015 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), chỉ số mức độ sẵn có về dịch vụ tài chính của Việt Nam là 3,9 (thang điểm cao nhất là 7 và trung vị là 4,5), đứng thứ 104/144 nước được xếp hạng.
Thực trạng tiếp cận tài chính tại Việt Nam
Một số nhận định sau đây về thực trạng tiếp cận tài chính tại Việt Nam cho thấy một phần những điểm mạnh, điểm yếu của hệ thống tài chính Việt Nam ở điểm khởi đầu của quá trình hiện thực hóa tài chính toàn diện.
Khu vực tài chính đóng góp quan trọng vào tăng trưởng quốc gia thông qua vai trò trung gian tài chính ngày càng gia tăng. Khu vực tài chính Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạng mẽ nhiều thập kỷ qua và tổng tài sản vượt trên 200% GDP vào năm 2014. Đo lường độ sâu tài chính của Việt Nam bằng chỉ số tín dụng/GDP sẽ cho thấy rõ điều này: từ 40% GDP năm 2000 tới 110% GDP sau đó một thập kỷ – một tốc độ được xem là ấn tượng so với các nước đang phát triển khác theo đánh giá của WB.
Hệ thống tài chính của Việt Nam vẫn là hệ thống dựa trên ngân hàng. Tài sản của các ngân hàng (kể cả Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển) chiếm tới 200% GDP và hơn 90% tổng tài sản của các định chế tài chính. Đây là một hệ thống khá tập trung với 78% tổng tài sản nằm trong top 10 ngân hàng lớn nhất. Một số năm gần đây tốc độ tăng trưởng tín dụng hàng năm khá cao, khoảng 17 – 18% và dự kiến trong năm 2017 có thể còn lên tới trên 20%. Ngược lại, tài sản của định chế tài chính không phải ngân hàng chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng tài sản của hệ thống tài chính[1], và được phân tán cho số lượng lớn các định chế quy mô nhỏ.
Tính đến hết năm 2016, cả nước có trên 10 nghìn chi nhánh, phòng giao dịch NHTM và 1166 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND). Cùng với hệ thống mạng lưới của các NHTM, NHCSXH có 700 phòng giao dịch cấp huyện, 11.074 điểm giao dịch cấp xã (trên tổng số 11.165 xã). Các tổ chức tài chính vi mô cũng đã hoạt động trên phạm vi 136/703 quận huyện thị trấn tại 34/63 tỉnh thành.
Bên cạnh các nhà cung ứng dịch vụ tài chính thính thức, còn có sự tham gia của nhiều nhà cung ứng dịch vụ bán chính thức và không chính thức, kể cả những người vay tư nhân và các nhóm tiết kiệm và cho vay không chính thức. Các hình thức chơi Họ, Hụi vốn dĩ tồn tại ở một số vùng nông thôn cũng thuộc nhóm này. Những nhà cung ứng dịch vụ loại này cho cá nhân vay để giải quyết nhu cầu tiêu dùng cấp bách hoặc cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vay để giải quyết nhu cầu sản xuất kinh doanh. Những đối tượng này không thể tiếp cận được các dịch vụ tài chính chính thức do không có tài sản thế chấp hoặc không đáp ứng đủ điều kiện cho vay của các ngân hàng. Các nhà cung ứng dịch vụ bán chính thức còn bao gồm các tổ chức phi chính phủ và các nhà cung ứng dịch vụ tài chính vi mô khác nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Các TCTD.
Thị trường vốn của Việt Nam dù đang lớn mạnh song vẫn còn sơ khai. Vốn hoá thị trường chứng khoán vào khoảng 21% GDP năm 2012 và 25% GDP năm 2014. Tỷ lệ vốn hoá vẫn còn thấp nếu so với các nước khác trong khu vực, chẳng hạn như Thái Lan là 106% GDP hoặc Malaysia là 136% GDP vào cùng thời điểm. Tổng lượng trái phiếu phát hành dừng ở mức 6,8% và tổng số dư trái phiếu vào khoảng 17% GDP năm 2014[2].
Khu vực hưu trí và bảo hiểm gần như không đáng kể song cũng đang phát triển khá nhanh cùng với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Cuối năm 2014 tổng tài sản của lĩnh vực này chiếm 4,2%GDP. Khu vực bảo hiểm nhân thọ chủ yếu do các công ty bảo hiểm nước ngoài nắm giữ, trong khi thị trường phi nhân thọ tập trung trong tay một số ít các công ty bảo hiểm nội địa lớn.
Cơ sở hạ tầng tài chính đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Trung tâm thông tin tín dụng của NHNN đã ra đời và mở rộng hoạt động nhều năm qua, cho phép các ngân hàng rút ngắn thời gian quyết định cấp vốn vay cho các công ty nhỏ. Tổng số thiết bị chấp nhận thẻ và ATM trên cả nước tăng mạnh, từ 14.000 POS và 2.000 ATM cuối năm 2006 lên mức trên 263.000 POS/EFTPOS/EDC và trên 17.000 ATM cuối năm 2016. Hiện đa số TCTD đã triển khai internet banking, 34 TCTD đã triển khai mobile banking.[3] Tuy nhiên, mạng lưới giao dịch của các ngân hàng tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị, và hệ thống thanh toán bán lẻ Việt Nam vẫn còn đi sau nhiều quốc gia láng giềng xét chỉ số về điểm tiếp cận. Hệ thống thanh toán liên ngân hàng IBPS do Ngân hàng Nhà nước vận hành đang đứng trước yêu cầu phải nâng cấp và hiện đại hoá nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán của một nền kinh tế trên đà tăng trưởng nhanh chóng và ngày càng hội nhập với hệ thống tài chính quốc tế.
Việt Nam cơ bản vẫn là một nền kinh tế tiền mặt. Tuy rằng tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán còn vào khoảng 11 – 12% cuối năm 2014 – 2016, nhưng tỷ lệ người dân trả hoặc nhận thanh toán bằng tiền mặt đối với một số loại giao dịch chiếm trên 95% theo số liệu Global Findex năm 2014. Thanh toán các dịch vụ cơ bản như học phí hoặc phí dịch vụ công ích chủ yếu được thực hiện bằng tiền mặt (96,5% học phí và 97,9% phí dịch vụ công. Hơn ba phần tư tiền lương được trả bằng tiền mặt (78,2%). Trong nông nghiệp, thanh toán tiền mặt lại càng phổ biến, tới hơn 99% các sản phẩm nông nghiệp được giao dịch bằng tiền mặt. Thậm chí với các phân khúc thị trường đang lớn mạnh như thương mại điện tử, nhiều giao dịch vẫn được thanh toán bằng tiền mặt, với một cơ chế được gọi là “cash – on – delivery” – thanh toán tiền khi giao hàng; có tới hai phần ba chuyển tiền nội địa thực hiện bằng tiền mặt.[4]
Có sự gia tăng mạnh mẽ về ngân hàng di động những năm gần đây nhờ tỷ lệ thuê bao di động và truy cập internet rất cao. So sánh giữa sở hữu tài khoản và sử dụng điện thoại di động để giao dịch tài chính, cho thấy có một khoảng cách rất lớn giữa việc sử dụng điện thoại di động và sử dụng tài khoản tài chính. Điều này cũng chỉ ra cơ hội đưa các ứng dụng công nghệ mới để tạo ra các kênh phân phối mới, các sản phẩm dịch vụ mới cải thiện tiếp cận tài chính, qua những ứng dụng trên điện thoại di động.
Một tỷ lệ đáng kể người dân Việt Nam chưa tiếp cận tới các dịch vụ tài chính chính thức. Chỉ số tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Theo số liệu Findex của WB năm 2014, 31% người trưởng thành[5] và 19% người nghèo đã tiếp cận được với tài khoản mở tại ngân hàng, từ chỗ 21% và 6% theo Findex năm 2011. Số lượng người tiết kiệm tại các định chế chính thức tăng từ 8% năm 2011 đến 16,2% năm 2014. Cũng có sự gia tăng về số lượng khoản vay từ khu vực chính thức (từ 16,2% năm 2011 lên 18,4% năm 2014) và sử dụng thẻ ghi nợ (từ 15% năm 2011 đến 27% năm 2014. Tỷ lệ người trưởng thành vay từ bạn bè hoặc người thân để đáp ứng nhu cầu tài chính duy trì ở mức 30%.
Sự cần thiết xây dựng Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và những định hướng chính
Trên hết, chiến lược tài chính toàn diện có thể coi là một chiến lược có ý nghĩa lớn lao về mặt phát triển xã hội, giảm bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo, giúp cho mỗi người dân có thể được thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế đem lại, thông qua tiếp cận tài chính, mỗi người dân có cơ hội để tiếp cận với các dịch vụ giáo dục, y tế, phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm. Việc ban hành Chiến lược cũng thể hiện một sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ theo đuổi những mục tiêu dài hạn trong phát triển bền vững, hỗ trợ thiết lập nền tài chính quốc gia lành mạnh thông qua việc phân phối và sử dụng nguồn lực tài chính trong xã hội hiệu quả, công bằng hơn và qua đó, cũng giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội. Điều này đồng thời cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam thực thi những mục tiêu Thiên niên kỷ đã cam kết với Liên hợp quốc.
Chính phủ Việt Nam nhận thấy sự cần thiết phải xây dựng một chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện làm cơ sở để triển khai thúc đẩy tài chính toàn diện một cách đồng bộ và có hiệu quả trong thời gian tới. Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22/7/2016 của Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020 đã khẳng định điều này, và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được giao làm cơ quan đầu mối thực hiện, phối hợp với các cơ quan liên quan, chịu trách nhiệm điều phối chung về tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Việc đầu tiên khi xây dựng Chiến lược là xác định khái niệm tài chính toàn diện. Khái niệm tài chính toàn diện được coi là một cấu phần quyết định của Chiến lược. Không có khái niệm duy nhất được áp dụng chung cho tất cả các quốc gia, mà nó sẽ khác nhau tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi quốc gia áp dụng, và phải được xác định khi xây dựng chiến lược để lấy đó làm cơ sở hình thành tầm nhìn/mục tiêu và các giải pháp trụ cột cho chiến lược. Dựa trên khái niệm tài chính toàn diện của World Bank – một khái niệm mà được nhiều nước tham chiếu khi xây dựng khái niệm tài chính toàn diện của riêng mình, với Việt Nam, tài chính toàn diện cần được hiểu là việc “tất cả người dân và doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản một cách thuận tiện, phù hợp với nhu cầu và với chi phí hợp lí”. Trên cơ sở này, có thể khái quát những định hình ban đầu của chiến lược này như sau:
Trước hết, mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện Việt Nam là “bảo đảm tất cả người dân ở độ tuổi trưởng thành và doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản một cách thuận tiện, phù hợp với nhu cầu với chi phí hợp lý, được cung ứng bởi các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính chính thức hoạt động an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm”
Mục tiêu trên nhấn mạnh hai khía cạnh là “tiếp cận” và “sử dụng” dịch vụ tài chính và chứa đựng 4 thành tố chủ chốt:
- Đối tượng được cung ứng dịch vụ: chú trọng những người đến nay vẫn bị loại trừ tài chính: những người thu nhập thấp, người yếu thế, cư dân vùng sâu vùng xa, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không đủ điều kiện tiếp cận với nguồn tài chính chính thức;
- Loại hình dịch vụ: gồm 5 loại dịch vụ tài chính được xem là cơ bản: thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm;
- Cách thức cung ứng dịch vụ: thuận tiện, phù hợp với nhu cầu với chi phí hợp lý, trong khả năng chi trả của người sử dụng dịch vụ;
- Người cung ứng dịch vụ: Các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính chính thức, được cấp phép và chịu sự quản lý giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoạt động an toàn hiệu quả và có trách nhiệm.
Trong từng giai đoạn chiến lược, các mục tiêu này cần được cụ thể hóa thành các chỉ tiêu phấn đấu, làm cơ sở đánh giá tiến trình thực hiện. Nội dung Chiến lược dựa trên 3 trụ cột chính, bao gồm:
– Thứ nhất, một hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính bền vững tạo điều kiện phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ, kênh phân phối hiện đại: Mục tiêu chủ đạo của trụ cột 1 là kiến tạo môi trường cho việc đa dạng hóa các kênh tiếp cận và phát huy vai trò của thị trường để mở rộng khả năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính phong phú, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng tài chính. Trong đó: (1) Nhấn mạnh đến vai trò của công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính trong việc thúc đẩy sự phát triển các kênh phân phối mới dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại như ngân hàng điện tử, ngân hàng di động, ngân hàng đại lý để cung ứng dịch vụ/sản phẩm ngân hàng thông qua Internet (mạng trực tuyến), điện thoại di động, thông qua việc cộng tác với các đại lý bán lẻ phi ngân hàng, theo đó, đại lý bán lẻ phi ngân hàng sẽ đại diện cho ngân hàng, cung cấp các dịch vụ tài chính tại những nơi ngân hàng không có chi nhánh. Và (2) Phát triển cơ sở hạ tầng tài chính hiệu quả với trọng tâm là một hệ thống thanh toán quốc gia hiện đại, hoạt động an toàn và hiệu quả;
– Thứ hai, một hệ thống các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính hoạt động an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm. Trong đó phát huy vai trò của các tổ chức tài chính vi mô và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, cùng những loại hình định chế đặc biệt khác như Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn…; Mục tiêu của trụ cột 2 là các dịch vụ tài chính cơ bản được cung cấp đến những đối tượng bị loại trừ tài chính theo cách thức phù hợp, thông qua các kênh phân phối từ truyền thống đến hiện đại.
– Thứ ba, những người tiêu dùng hiểu biết tài chính và được bảo vệ đầy đủ bằng hệ thống pháp luật. Mục tiêu là phải hình thành những người tiêu dùng tài chính có khả năng sử dụng, đánh giá các sản phẩm, dịch vụ tài chính mà các tổ chức tài chính có trách nhiệm cung cấp, cả về lợi ích lẫn rủi ro để sáng suốt lựa chọn các sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu thực tế của mình.
Các trụ cột này sẽ bao hàm nhiều giải pháp cụ thể để hướng tới mục tiêu. Việc đánh giá thực hiện chiến lược cũng sẽ được quan tâm chú trọng, nhằm bảo đảm thành công của chiến lược. Theo đó, các nội dung ưu tiên sẽ là: xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng tài chính, công nghệ giúp đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tài chính và xây dựng cơ chế bảo vệ người tiêu dùng và giáo dục tài chính. Trong đó quan tâm đặc biệt đối với các đối tượng dễ bị tổn thương (các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ, người nghèo nông thôn, phụ nữ…) nhằm hỗ trợ, giúp các đối tượng này tiếp cận tốt hơn, hiệu quả hơn các dịch vụ tài chính, ngân hàng; Đồng thời xây dựng cơ chế điều phối và phối hợp huy động tổng thể nguồn lực triển khai tài chính toàn diện hiệu quả (các cơ quan quản lý, tổ chức tín dụng, tổ chức chính trị – xã hội, khu vực tư nhân…).
Thay cho lời kết
Việt Nam đang đứng trước một cơ hội to lớn để thúc đẩy tài chính toàn diện trên bình diện quốc gia. Điều này xuất phát từ mối quan tâm và những nỗ lực toàn cầu, sự sẵn sàng trợ giúp của các định chế tài chính quốc tế lớn, các nhà tài trợ, cũng như những nhận thức ngày càng tăng về tầm quan trọng của tài chính toàn diện đối với sự phát triển bền vững đất nước, ở cả các cấp, các ngành, cả ở các cơ quan quản lý nhà nước, lẫn các tổ chức xã hội dân sự. Trong năm APEC 2017, với vai trò là nước chủ nhà, một trong các chủ đề thảo luận chính của năm APEC Việt Nam 2017 là tài chính toàn diện. Các bước đi ban đầu để xây dựng Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đã được khởi động. Thực tế cho thấy tài chính toàn diện đã nằm trong nhiều chủ trương chính sách lớn của Việt Nam và việc xây dựng một Chiến lược quốc gia về nội dung này sẽ là sự hệ thống hóa lại những gì Chính phủ đã làm, bổ sung hoàn chỉnh những gì còn thiếu với một mục tiêu nhất quán và những tiêu chí cụ thể cần đạt được. Chiến lược quốc gia này sau khi ban hành sẽ trở thành cam kết mạnh mẽ của Chính phủ theo đuổi các mục tiêu dài hạn để thúc đẩy phát triển bền vững. Sự phối hợp và tham gia của các Bộ, ngành, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội vào quá trình Chiến lược, từ khâu hoạch định cho đến khi thực thi, là điều cần thiết bảo đảm cho sự thành công của chiến lược và từ đó hiện thực hóa các mục tiêu đề ra./.
Tài liệu tham khảo
- World Bank. 2014. E- and M – Commerce and Payment Sector Development in Vietnam
- Website Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – http://www.sbv.gov.vn
- World Bank Findex – http://datatopics.worldbank.org/financialinclusion/country/vietnam
- Trang điện tử của Liên minh tài chính toàn diện (AFI) – https://www.afi-global.org/
- Trang điện tử của Diễn đàn APEC về tài chính toàn diện ở Việt Nam – https://www.apec2017.vn/ap17-c/gallery/asia-pacific-forum-financial-inclusion
- Trang điện tử về tài chính toàn diện của World Bank – http://www.worldbank.org/en/topic/financialinclusion/overview
Th.S Lê Phương Lan
Th.S Nguyễn Thị Hương Thanh
Viện Chiến lược ngân hàng
[1] Theo WB tập hợp từ một số nguồn vào năm 2012: Công ty tài chính chiếm 2,7%; công ty Bảo hiểm chiếm 2%; công ty quản lý tài sản chiếm 0,2%; công ty chứng khoán chiếm 1,4% tổng tài sản của các định chế tài chính.
[2] Nguồn: WB
[3] Nguồn: NHNN
[4] Theo khảo sát của WB
[5] Theo số liệu chính thức của NHNN, số người có tài khoản tại ngân hàng cao hơn, tới trên 40% vào năm 2014 và năm 2016 55% dân số đã có tài khoản ngân hàng. (dựa trên số liệu thống kê của NHNN sau khi đã loại trừ việc tính trùng do một người dân có thể có nhiều hơn 1 tài khoản)