Điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế của ECB

     Trong một số năm gần đây, đặc biệt kể từ tháng 6/2014, định hướng điều hành CSTT của ECB theo hướng duy trì các biện pháp nới lỏng nhằm mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế và đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2%. Những biện pháp đó bao gồm việc thực hiện nghiệp vụ tái cấp vốn dài hạn cho hệ thống ngân hàng trong khu vực (Targeted longer – term refinancing operations – TLTROs), chương trình thu mua tài sản (Asset purchase programme – APP) và duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp, đặc biệt ECB cũng là NHTW phát triển đầu tiên đã áp dụng lãi suất huy động ở mức âm từ tháng 9 năm 2014 để khuyến khích hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp trong khu vực. Vào từng năm, định hướng điều hành CSTT này sẽ có sự điều chỉnh phù hợp căn cứ vào diễn biến kinh tế vĩ mô trong khu vực.

     Năm 2017, để tạo đà cho sự phục hồi ổn định của kinh tế toàn khu vực, định hướng điều hành CSTT của ECB vẫn theo xu hướng nới lỏng mạnh mẽ cả về mức độ lẫn quy mô. Cụ thể, ECB vẫn quyết định giữ nguyên các mức lãi suất chính sách, theo đó lãi suất tái cấp vốn hiện đang ở mức 0%, lãi suất cho vay qua đêm đối với hệ thống ngân hàng ở mức 0,25% và đặc biệt là lãi suất nhận tiền gửi của hệ thống ngân hàng đang ở mức -0,4%.

1

Đây đều là các mức lãi suất thấp kỷ lục của ECB trong lịch sử và đã được duy trì kể từ tháng 3/2016 đến nay. Bên cạnh đó, trong năm 2017, ECB vẫn đều đặn bơm thêm tiền ra nền kinh tế thông qua việc tiếp tục thực hiện chương trình thu mua tài sản trong khu vực. Mức tài sản mua về của ECB duy trì ở mức 60 tỷ EUR hàng tháng trong giai đoạn 3 quý đầu năm và chỉ bắt đầu giảm xuống còn 30 tỷ EUR từ tháng 10 trước những tín hiệu chuyển biến rõ rệt hơn của kinh tế toàn khu vực. Mặc dù đã có sự cắt giảm quy mô gói nới lỏng định lượng nhưng ECB cũng đưa ra cam kết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các chỉ số vĩ mô, đặc biệt là diễn biến lạm phát để có thể điều chỉnh kịp thời về mặt thời lượng cũng như quy mô gói nới lỏng định lượng trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra, ECB quyết định bổ sung thêm 4 chương trình tái cấp vốn dài hạn định kỳ hàng quý từ 3/2017 đến tháng 12/2017 với kỳ hạn 4 năm cho hệ thống ngân hàng trong khu vực.

     Với việc áp dụng một hệ thống các biện pháp chính sách toàn diện, bao gồm các chương trình mua tài sản, nghiệp vụ tái cấp vốn dài hạn và duy trì một mức lãi suất thấp như vậy đã giúp nới lỏng các điều kiện cho vay đối với khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, từ đó cũng góp phần làm phục hồi nhu cầu tiêu dùng nội địa của khu vực EU trong năm vừa qua.

Trước hết, với việc duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp, lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng ra nền kinh tế đã liên tục có sự điều chỉnh giảm mạnh.

2

Cụ thể, trong giai đoạn từ tháng 5/2014 đến 8/2017, lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng đối với các tổ chức phi tài chính và hộ gia đình tại khu vực EU đã giảm tương ứng 119 và 110 điểm cơ bản. Đặc biệt, điều kiện cho vay đối với khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có nhiều cải thiện mạnh mẽ với lãi suất cho vay đối với khu vực này đã được điều chỉnh giảm khoảng 180 điểm cơ bản trong vòng 3 năm vừa qua. Ngoài ra, trong một khảo sát gần đây của ECB về khả năng tiếp cận tài chính của các doanh nghiệp trong khu vực EU, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã báo cáo lạc quan về sự cải thiện trong tình hình tiếp cận tín dụng và sự sẵn sàng của các ngân hàng trong việc cung cấp các khoản tín dụng với lãi suất thấp hơn.

     Song song với việc duy trì một môi trường lãi suất thấp như vậy, việc triển khai các chương trình thu mua tài sản đã tạo động lực thúc đẩy các ngân hàng tăng cường hoạt động cho vay (một phần do trong thời gian này việc đầu tư vào các trái phiếu chỉ mang lại lợi suất thấp và không còn thu hút được hệ thống ngân hàng).

3

Bên cạnh đó, để có thể tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ TLTRO – II các ngân hàng cũng phải tăng cường hoạt động cho vay do một trong những điều kiện để các ngân hàng được vay từ TLTRO có là lượng tín dụng cung ứng ra nền kinh tế phải đáp ứng một định mức nhất định. Kết quả là tốc độ tăng trưởng tín dụng cho hộ gia đình đã tăng từ mức -0,1% vào tháng 5/2014 lên 2% vào tháng 12/2016 và tiếp tục tăng lên 2,7% vào tháng 9/2017. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng cho các doanh nghiệp phi tài chính cũng tăng từ mức -2,9% tháng 5/2014 lên 2,3% tháng 12/2016 và 2,5% tháng 9/2017.

     Sự cải thiện của tăng trưởng tín dụng đã góp phần quan trọng giúp phục hồi hoạt động tiêu dùng và đầu tư trong khu vực EU – vốn là hai nhân tố chủ chốt đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của khu vực.

4Về phía tiêu dùng, lãi suất thấp đã khuyến khích hoạt động tiêu dùng cá nhân khi việc vay mượn trở nên rẻ hơn trong khi tiết kiệm lại mang lại ít thu nhập hơn so với trước đây. Ngoài ra, lãi suất giảm cũng giúp phân phối lại thu nhập từ nhóm tiết kiệm sang nhóm đi vay vốn là bên sẵn sàng tiêu dùng nhiều hơn. Còn về phía đầu tư, các biện pháp nới lỏng tiền tệ của ECB, trong đó đặc biệt là chương trình mua các loại chứng chỉ tiền gửi do các tổ chức doanh nghiệp phát hành (từ tháng 3/2016) đã đẩy dòng tiền đi vào khu vực doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy các hoạt động đầu tư trong nền kinh tế. Hơn thế nữa, các biện pháp nới lỏng tiền tệ cũng làm gia tăng niềm tin của hệ thống doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn của hệ thống ngân hàng, đặc biệt đối với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.

     Tác động của CSTT đến tăng trưởng kinh tế đã được minh chứng trên thực tế cũng như trong các nghiên cứu định lượng. Trên thực tế, những diễn biến tích cực trong hoạt động tiêu dùng đã hỗ trợ mạnh mẽ cho sự cải thiện tăng trưởng kinh tế trong toàn khu vực.

5

Theo đó, kinh tế khu vực châu Âu trong năm 2017 đã cho thấy những tín hiệu chuyển biến mạnh mẽ.  Lần đầu tiên trong vòng nhiều năm sau khủng hoảng, tăng trưởng kinh tế trong khu vực đã duy trì được mức tăng trên 2% so với cùng kỳ trong 3 quý liên tiếp, trong đó mức tăng trưởng 2,8% của quý III là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Còn theo một nghiên cứu định lượng của ECB, thông qua hai kênh tiêu dùng và đầu tư, các biện pháp nới lỏng CSTT được triển khai từ đầu năm 2016 đến nay đã đóng góp 1,7% vào mức tăng trưởng cho toàn khu vực. Mức đóng góp này của CSTT còn cao hơn mức đóng góp của một số giai đoạn so sánh trước đây là 2003Q2 – 2006Q4 và 2009Q3 – 2011Q3.

     Trong năm 2018, định hướng điều hành CSTT của ECB mặc dù được dự báo sẽ theo hướng thắt chặt hơn, nhưng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn khu vực mới chỉ đang trong giai đoạn phục hồi và lạm phát vẫn còn cách khá xa ngưỡng mục tiêu 2% như hiện nay thì xu hướng thắt chặt sẽ được triển khai thận trọng từng bước. Điều này đã được minh chứng trong những tuyên bố chính sách tiền tệ gần đây của ECB, theo đó tổ chức này tiếp tục khẳng định việc duy trì một môi trường lãi suất thấp và các chương trình thu mua tài sản ít nhất đến hết tháng 9/2018, đồng thời đưa ra cam kết sẵn sàng gia tăng lượng thu mua tài sản hàng tháng nếu tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu suy giảm và lạm phát không đạt mục tiêu đề ra. Trên cơ sở đó, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục đưa ra một dự báo lạc quan cho tăng trưởng kinh tế của khu vực trong năm 2018 với mức tăng trưởng ước đạt 2,3% – 2,4%, tương đương với mức tăng trưởng mà khu vực EU đã đạt được trong năm 2017 và cũng có thể sẽ là mức tăng trưởng tốt nhất trong nhóm các nền kinh tế phát triển.

Ths. Nguyễn Thị Minh Ngọc

Ths. Trần Ngọc Lan

Viện Chiến lược ngân hàng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *