Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, nhận thức sâu sắc vị trí chiến lược quan trọng của khu vực ĐBSCL, ngành Ngân hàng đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phát triển kinh tế – xã hội, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của khu vực ĐBSCL. Trong đó có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ về vốn, lãi suất, ngoại tệ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng phát triển sản xuất – kinh doanh, phục vụ đời sống. Trong tổng số 44 văn bản chỉ đạo điều hành của NHNN đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn áp dụng trên toàn quốc thì có đến 24 văn bản chỉ đạo, điều hành hoạt động tín dụng riêng cho khu vực ĐBSCL. Năm 2015, NHNN đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 55/ 2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Trong đó, những điểm mới của chính sách sẽ tạo bước đột phá trong đầu tư tín dụng phục vụ quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. Ngày 09/3/2016, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn và khôi phục sản xuất tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Hội thảo đã ghi nhận, trong thời gian qua, tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã góp phần đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của Vùng, đóng góp vào tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn vùng ĐBSCL đạt 13,2 tỷ Đô la Mỹ năm 2015. Bên cạnh tín dụng thương mại, hoạt động tín dụng chính sách của Nhà nước đã giúp tạo sinh kế cho người nghèo và các đối tượng chính sách, nâng cao đời sống của người dân, bảo đảm an sinh xã hội và góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững tại các địa phương trong khu vực. Cụ thể, huy động vốn có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước và chiếm khoảng 7% tổng vốn huy động của nền kinh tế. Đây là nguồn lực quan trọng để thực hiện đầu tư trở lại phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và mọi mặt của đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Đến ngày 30/6/2016, huy động vốn của cả vùng ước đạt 350.038 tỷ đồng, tăng 9,93% so với 31/12/2015. Tín dụng cho khu vực cũng tăng trưởng đều qua các năm, dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn đến 30/6/2016 ước đạt 397.991 tỷ đồng, tăng 3,39% so với 31/12/2015, chiếm 8,2% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế, trong đó dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ tại khu vực ĐBSCL tăng 10,1% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng gần 22%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc và chiếm gần 48% tổng dư nợ cho vay của khu vực.
Một số sản phẩm chủ lực của vùng cũng được đầu tư thỏa đáng. Chương trình cho vay đối với lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu gạo cũng đạt khoảng trên 27.000 tỷ đồng, chiếm 75% tổng dư nợ cho vay lúa gạo toàn quốc; tăng 10,5%. Chương trình cho vay thu mua, chế biến xuất khẩu thủy sản, cho vay đóng tàu (theo Nghị định 67) cũng đạt khoảng 55.500 tỷ đồng chiếm tỷ trọng lớn so với tổng dư nợ cho vay ngành thủy sản của cả nước. Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14 của Chính phủ, trong số 28 doanh nghiệp được chọn để cho vay phát triển các mô hình chuỗi giá trị nông sản thì tại khu vực ĐBSCL có 10 DN được các TCTD cho vay với tổng nguồn vốn trên 5.400 tỷ đồng.
Cùng với tín dụng thương mại, tín dụng chính sách cũng đã góp phần quan trọng tạo sinh kế, giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân khu vực ĐBSCL. Đến nay hơn 2 triệu khách hàng đang được vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng CSXH với dư nợ vay đạt 25.972 tỷ đồng, tăng 2,87% so với 31/12/2015, chiếm trên 17,6% tổng dư nợ cho vay toàn quốc của Ngân hàng CSXH. Việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước đối với hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách đã góp phần giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội cho con em đi học, đi xuất khẩu lao động, tăng thu nhập cho gia đình, tạo nguồn thu ngoại tệ cho đất nước, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trong khu vực.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc đầu tư tín dụng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức như: hiệu quả kinh doanh trong nông nghiệp là ngành thế mạnh của vùng vẫn còn thấp trong bối cảnh các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng phải cạnh tranh gay gắt; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp còn yếu, nhất là từ đầu năm 2016 nền kinh tế nông nghiệp của khu vực đang chịu ảnh hưởng lớn bởi đợt hạn hán và xâm nhập mặn được coi là lớn nhất trong vòng 100 năm qua. Trong khi đó, công tác quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng vật nuôi chưa được triển khai hiệu quả. Vấn đề xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chưa được đầu tư thỏa đáng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Chính sách về liên kết vùng, khuyến khích hợp tác công – tư, chính sách phát triển doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được triển khai mạnh mẽ…
Tại cuộc Hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận và trao đổi xoay quanh các nội dung: Đánh giá chính sách tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL; Vấn đề quy hoạch vùng, liên kết vùng, miền, địa phương gắn với phân bổ nguồn lực, cơ cấu đầu tư tín dụng cho vùng ĐBSCL; vấn đề chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL nhằm đối phó với tình trạng hạn hán, xâm ngập mặn gia tăng; Liên kết sản xuất trong nông nghiệp và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam; Kiến nghị cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh dòng vốn tín dụng ngân hàng khuyến khích đầu tư, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cải thiện an sinh xã hội tại các tỉnh ĐBSCL.
Các đại biểu tham luận, các chuyên gia đã chỉ ra một số điểm khó khăn, hạn chế đang ảnh hưởng tới kết quả hoạt đông tín dụng ngân hàng trên địa bàn ĐBSCL như: huy động vốn của các TCTD trên địa bàn mới chỉ đáp ứng được 88% nhu cầu vốn của khu vực; hoạt động tín dụng chính sách còn nhiều khó khăn, thiếu nguồn vốn, thiếu cơ chế, chính sách cụ thể. Đầu tư vốn tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu. Thị trường tiêu thụ không ổn định trong khi vẫn thiếu các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro. Nguồn lực Nhà nước dành để xử lý rủi ro cho nông nghiệp còn thấp, chưa có cơ chế rõ ràng, chủ yếu là xử lý vụ việc. Hoạt động bảo hiểm nông nghiệp tuy đã được triển khai thí điểm nhưng đến nay vẫn chưa được nhân rộng. Bên cạnh đó, vai trò của các doanh nghiệp, hợp tác xã tại địa phương trong liên kết sản xuất nông nghiệp còn yếu và thiếu chặt chẽ gây khó khăn cho các TCTD trong kiểm soát dòng tiền của khách hàng, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả đầu tư của các TCTD.
Nhiều ý kiến từ các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh rằng, mặc dù nguồn tín dụng từ hệ thống NH đã có sự đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, để tạo ra một lực đẩy vốn lớn hơn cho toàn vùng ĐBSCL phát triển trong điều kiện vừa hội nhập với thế giới vừa phải ứng phó với quá trình biến đổi khí hậu thì một mình sự chủ động của hệ thống Ngân hàng là không đủ mà cần có sự kết hợp của chính sách tài khóa, đóng góp từ ngân sách và nhiều nguồn tài chính đầu tư khác. Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải chủ động trong việc liên kết sản xuất, tạo giá trị gia tăng cao hơn.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định những đóng góp của ngành Ngân hàng trong việc thúc đẩy kinh tế xã hội khu vực ĐBSCL là rất đáng ghi nhận. Thông qua nguồn vốn tín dụng của các NHTM trên địa bàn, kinh tế khu vực ĐBSCL đã có nhiều bước chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu đặt vấn đề nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế vùng ĐBSCL mà mới chỉ nói đến nguồn vốn tín dụng từ hệ thống NH thì chưa đủ. Theo ông Thành, để có đủ nguồn lực vốn cho sự phát triển vùng ĐBSCL cần thiết phải nhìn nhận trong tổng thể tái cấu trúc toàn nền kinh tế nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập. Theo đó, các bộ, ngành và Chính phủ cần có những đánh giá sâu hơn về những yếu tố liên quan đến tài chính đầu tư vào khu vực ĐBSCL. Cần làm rõ hơn các cơ chế khuyến khích các định chế tài chính ngoài ngân hàng đầu tư vào khu vực đồng bằng, làm rõ các tiêu chí về ưu tiên, ưu đãi đầu tư. Mở rộng các hoạt động tài chính như cho thuê tài chính nông nghiệp hoặc đầu tư bằng các nguồn xã hội hóa. Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ Tài chính cần có kế hoạch giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ để dành các phần vốn đặc thù cho vùng ĐBSCL bên cạnh nguồn tín dụng ưu đãi theo các chương trình tín dụng đã có.
Bổ sung quan điểm này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, nhiều năm nay ngành Ngân hàng tham gia tích cực vào rất nhiều các chương trình hỗ trợ vốn đầu tư vào các khu vực kinh tế vùng “3 Tây” là: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Tuy nhiên, hiện nay dường như nguồn vốn tín dụng vẫn phải “đi” một cách đơn độc. Bởi cơ chế phối hợp đầu tư tài chính phục vụ liên kết vùng kinh tế chưa được thể hiện một cách rõ ràng. Theo ông Ánh, trong bối cảnh hội nhập và tái cấu trúc nền kinh tế nông nghiệp, cộng với tác động của biến đổi khí hậu diễn ra liên tục thì trong các năm tới, Chính phủ cần tạo ra các cơ chế “tài chính xanh” để dành nguồn ngân sách phục vụ cho tăng trưởng và phát triển vùng ĐBSCL. Để làm được việc này cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về nhu cầu đầu tư cũng như tạo ra một hệ thống liên kết vùng trong hoạt động quản lý, giám sát vốn ngân sách phù hợp.
Về phía hệ thống NH, các chuyên gia kinh tế cho rằng để đẩy mạnh hơn nữa việc cung ứng nguồn tài chính cho vùng ĐBSCL các TCTD cần phải xác định rõ việc đầu tư cho nông nghiệp – nông thôn, nhất là đầu tư vào các mô hình sản xuất hàng hóa lớn là tất yếu. Từ đó mở rộng các sản phẩm dịch vụ tài chính, tăng cường các biện pháp chia sẻ rủi ro với người vay, tăng quyền cho người vay, đồng thời gia tăng các hoạt động phái sinh liên quan như bảo lãnh vốn, cho thuê tín dụng, bao thanh toán… Ngay tại hội thảo, một số ngân hàng thương mại có dư nợ cao ở ĐBSCL cho biết, thời gian tới sẽ nghiên cứu cho vay các sản phẩm tín dụng hướng đến dự án bền vững, quy mô lớn. Theo ông Lê Đức Thọ – Tổng giám đốc VietinBank thì Ngân hàng này sẽ ưu tiên tín dụng xanh. Cụ thể, VietinBank sẽ xây dựng giải pháp thúc đẩy sản phẩm “Ngân hàng – tín dụng xanh, hỗ trợ các DN thực hiện tăng trưởng xanh; khuyến khích tập trung nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho các dự án, phương án kinh doanh, đầu tư cho các ngành, lĩnh vực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại, sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường..
Kết luận cuộc Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đánh giá cao và tiếp thu ý kiến đóng góp, các kiến nghị của quý vị đại biểu. Phó Thống đốc chỉ đạo tất cả các đơn vị trong hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng triển khai tích cực, có hiệu quả các giải pháp tín dụng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL thể hiện quyết tâm của ngành ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân vùng ĐBSCL trong tiến trình hội nhập và phát triển bền vững.
Phó Thống đốc cho biết, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ triển khai một số giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động tín dụng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng Đồng bằng Sông Cửu long. NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của vùng, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng với các chương trình, kế hoạch triển khai quy hoạch của từng địa phương và cả vùng ĐBSCL.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, NHNN quyết liệt chỉ đạo các NHTM triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, đặc biệt đẩy mạnh đầu tư tín dụng vào các ngành, lĩnh vực, các mặt hàng chủ lực của vùng ĐBSCL nhằm phát huy các tiềm năng, thế mạnh của vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, hỗ trợ DN thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập theo tinh thần Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ. Trong đó quyết liệt cải cách thủ tục hành chính trong trong quá trình cho vay vốn đối với người dân và DN. Ngoài sản phẩm dịch vụ tốt, các ngân hàng phải tạo thuận lợi về thủ tục trong việc cho vay vốn.
Tất cả các chương trình chính sách tín dụng đã và đang thực hiện ở ĐBSCL sẽ được tiếp tục được triển khai tích cực nhất. Đồng thời với việc tiến hành rà soát, rút kinh nghiệm đối với các chương trình tín dụng trọng điểm để hoàn thiện thể chế, tiếp tục hướng dẫn để mở rộng chương trình, chẳng hạn như chương trình cho vay liên đã triển khai trong 2 năm nay. Bên cạnh đó, những chương trình như tín dụng xanh, áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản, tín dụng cho du lịch, tín dụng hạ tầng cơ sở cũng sẽ được quan tâm trong thời gian tới.
Phó Thống đốc yêu cầu các TCTD tiếp tục cân đối đảm bảo nguồn vốn phục vụ khu vực ĐBSCL, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho các dự án hiệu quả. Trong điều kiện nguồn lực tài chính của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, vốn ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất.
Đối với, tín dụng chính sách, NHNN đang chỉ đạo NHCSXH tích cực cho vay vốn khu vực ĐBSCL trên cơ sở gắn kết tín dụng xanh với tín dụng thương mại, theo hướng sau khi vay vốn NHCSXH thoát nghèo thì người dân chuyển sang vay vốn NHTM để có thể mở rộng sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Ký kết hợp đồng vay vốn giữa các NHTM và doanh nghiệp vùng ĐBSCL tại Hội thảo
Trong dịp tổ chức Diễn đàn MDEC lần này, 7 tổ chức tín dụng đã ký hợp đồng tài trợ trợ vốn cho 73 dự án thuộc các lĩnh vực kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL với tổng số tiền cam kết cho vay gần 28.500 tỷ đồng, Trong đó 16 hợp đồng tín dụng tiêu biểu với số tiền gần 10.000 tỷ đồng đã được ký kết tại Hội thảo. Đây là nỗ lực rất lớn của của ngành Ngân hàng; thể hiện quyết tâm của Ngành trong việc đẩy mạnh cho vay, đầu tư tín dụng, tạo điều kiện cho Vùng ĐBSCL phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao chất lượng giá trị nông sản, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
VMH
Nguồn: http://www.sbv.gov.vn