Hội thảo khoa học giới thiệu kết quả nghiên cứu Đề tài: “Xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc triển khai chuẩn mực an toàn vốn theo Basel II trong hệ thống Ngân hàng tại Việt Nam” (Mã số ĐTNH.009/17)

Ngày 28/8/2020, Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo phổ biến, trao đổi kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ: “Xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc triển khai chuẩn mực an toàn vốn theo Basel II trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam” (mã số ĐTNH.009/17). Tham dự Hội thảo có đại diện một số Vụ, Cục NHNN, đại diện các ngân hàng thương mại công ty kiểm toán, tư vấn, đại diện một số đơn vị nghiên cứu.

1

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) cho biết, việc triển khai chuẩn mực vốn Basel II được coi là giải pháp có tính chiến lược, tạo nền tảng giúp cho hệ thống ngân hàng Việt Nam đáp ứng đầy đủ năng lực cho yêu cầu phát triển và hội nhập. Chính vì vậy, ngay từ những năm 2014, NHNN đã phê duyệt lộ trình triển khai thực hiện Basel II. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không hề đơn giản đối với cơ quan quản lý cũng như các TCTD bởi nó đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, với sự đầu tư lớn về tài chính, nguồn nhân lực, công nghệ thông tin rồi thay đổi nhận thức của người quản lý, người điều hành… Mặc dù vậy, xác định đây là nhiệm vụ then chốt và vô cùng cần thiết, NHNN đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

2

Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện CLNH phát biểu khai mạc

Trình bày các nội dung chính của đề tài, Ths. Lê Trung Kiên – Phó Cục trưởng Cục IV, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết, nếu áp dụng một cách nguyên mẫu các quy định Basel II của Ủy ban Basel đưa ra đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam thì sẽ rất khó để triển khai được về nhiều mặt. Do vậy, cần phải xây dựng khung khổ pháp lý một cách linh hoạt, làm sao đảm bảo tuân thủ nguyên tắc Basel II nhưng phù hợp với điều kiện thực tế của hệ thống ngân hàng Việt Nam, để chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất. Khung khổ pháp lý cần xây dựng trên nguyên tắc tiếp cận theo từng giai đoạn, áp dụng từ phương pháp đơn giản theo hướng mở phù hợp với từng mức độ phát triển của các ngân hàng.

3

ThS. Lê Trung Kiên, Chủ nhiệm đề tài trình bày tại Hội thảo

Xác định trên nguyên tắc đó, NHNN thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Basel II trong ngân hàng và lựa chọn 10 NHTM trong nước thí điểm triển khai. NHNN xây dựng mẫu biểu, ban hành khung khổ pháp lý cần thiết hướng dẫn các ngân hàng triển khai đầy đủ các trụ cột Basel II.  Đối với trụ cột I, NHNN đã xây dựng và ban hành Thông tư số 41/2016/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với các ngân hàng theo phương pháp tiêu chuẩn.

Đề cập đến ứng dụng của Đề tài, ThS. Lê Trung Kiên cho biết, việc triển khai Basel II đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, sự đầu tư lớn về tài chính, nguồn nhân lực, hệ thống công nghệ thông tin, năng lực thanh tra. NHNN đã ban hành Thông tư 41/2016/TT-NHNN và Thông tư 13/2018/TT-NHNN để triển khai 3 trụ cột theo phương pháp tiêu chuẩn Basel II. Việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc triển khai Chuẩn mực an toàn vốn Basel II là một trong những ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới trong việc quản lý nhà nước đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Đến thời điểm này đã có 33 ngân hàng hoàn thành Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn của Thông tư 41 chiếm gần 80% tổng số NHTM, trong đó có 18 NHTM được NHNN chấp thuận áp dụng trước thời hạn Thông tư 41. Một số ngân hàng hoàn thành đầy đủ cả ba trụ cột Basel II, nhìn chung các ngân hàng đã nghiêm túc chủ động triển khai yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với lộ trình triển khai Basel II như thành lập Ban quản lý Dự án triển khai Basel II (PMO), nhân lực thực hiện dự án; hệ thống cơ sở hạ tầng data, IT phục vụ tính vốn và báo cáo, đặc biệt là việc chuẩn bị các dữ liệu phục vụ tính vốn; chuyển đổi mô hình kinh doanh, cơ cấu tài sản có rủi ro…

Với kết quả 85% TCTD áp dụng Thông tư 41 là thành công lớn của hệ thống ngân hàng Việt Nam, ông Phạm Đỗ Nhật Vinh – Giám đốc tư vấn rủi ro KPMG lưu ý thêm những định hướng triển khai Basel trong thời gian tới để NHNN có những giải pháp phù hợp hơn. Đó là các quy định của Basel liên tục phát triển theo hướng thắt chặt hơn; định hướng của cơ quan quản lý về quản trị rủi ro; sự phát triển của ngân hàng số và định hướng của NHNN.

4

Ông Phạm Đỗ Nhật Vinh, Giám đốc tư vấn rủi ro KPMG trình bày tại Hội thảo.

Là một trong 10 ngân hàng được lựa chọn thí điểm và cũng là ngân hàng đầu tiên hoàn thành trước thời hạn áp dụng Thông tư 41, Phó Tổng giám đốc Vietcombank Đinh Thị Thái cho biết, nhờ NHNN thiết lập khuôn khổ pháp lý toàn diện, bám sát thông lệ quốc tế cùng với lộ trình thực hiện bài bản trong từng giai đoạn, phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam giúp các NHTM có đầy đủ yếu tố cần thiết và thuận lợi trong việc triển khai Basel II. Phát biểu tại Hội thảo, đại diện BIDV đề xuất: NHNN cần bổ sung thêm thông tin, dữ liệu đầu vào chính thống từ phía cơ quan quản lý về chính sách vĩ mô, tài chính tiền tệ để các ngân hàng đưa vào các kịch bản đảm bảo tính đồng nhất, mức độ đánh giá chính xác hơn.

5

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Thị Hiền – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN), nhìn chung các ngân hàng đã nghiêm túc chủ động triển khai yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với lộ trình triển khai Basel II như thành lập Ban quản lý Dự án triển khai Basel II (PMO), nhân lực thực hiện dự án; hệ thống cơ sở hạ tầng data, IT phục vụ tính vốn và báo cáo, đặc biệt là việc chuẩn bị các dữ liệu phục vụ tính vốn; chuyển đổi mô hình kinh doanh, cơ cấu tài sản có rủi ro.

Kết luận và bế mạc buổi hội thảo, TS Nguyễn Thị Hiền ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp mới và tính thiết thực của Đề tài. Kết quả của Đề tài không chỉ có ý nghĩa đối với hoạt động nghiên cứu khoa học của NHNN mà còn có ứng dụng thực tiễn rất cao đối với việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc triển khai Chuẩn mực an toàn vốn Basel II đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam.

 

Tin bài: Thời báo Ngân hàng

Ảnh: Viện Chiến lược Ngân hàng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *