Ngày 28/8/2019, Viện chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo khoa học giới thiệu, trao đổi kết quả nghiên cứu Dự án khoa học và công nghệ cấp Bộ “Geo–Marketing ứng dụng trong ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam” Tham dự Hội thảo có đại diện một số Vụ, Cục NHNN, đại diện các ngân hàng thương mại và các trường đại học, đơn vị nghiên cứu.
Quang cảnh hội thảo khoa học
Phát biểu khai mạc Hội thảo Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng – Giám đốc Trung tâm tư vấn đào tạo chuyển giao KH&CN ngân hàng, Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) cho biết, tại “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” ban hành kèm theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tổng quát là phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng theo hướng dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp với chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.
Trong bối cảnh đó, Dự án về ứng dụng Geo-Marketing trong hoạt động ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam là một công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao đối với các ngân hàng thương mại, việc phổ biến rộng rãi Dự án này nhằm hướng tới đối tượng thụ hưởng là các bộ phận phát triển mạng lưới, hoạt động marketing và bán lẻ tại các ngân hàng thương mại.
Trình bày các nội dung chính của Dự án nghiên cứu, PGS.TS. Phạm Thùy Giang – Phó chủ nhiệm Bộ môn Marketing, Khoa Quản trị kinh doanh, Học viện Ngân hàng, chủ nhiệm Dự án cho biết, tính cấp thiết của chủ đề nghiên cứu thể hiện ở sự phát triển của công nghệ thông tin mà cụ thể là smartphone, các phần mềm tiện ích (GPS, GIS, bản đồ số hóa,…) ngày càng được ứng dụng rộng rãi vào hoạt động của các ngân hàng. Trên thế giới, Geo-Marketing đã được áp dụng thành công trong dịch vụ ngân hàng bán lẻ, tuy nhiên tại Việt Nam việc ứng dụng Geo-Marketing trong các hoạt động ngân hàng bán lẻ hiện chưa thực sự phổ biến.
PGS.TS. Phạm Thùy Giang – Chủ nhiệm Dự án, trình bày các nội dung nghiên cứu
Đánh giá về thực trạng ứng dụng Geo-Marketing trong hoạt động ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam, chủ nhiệm Dự án cho biết, Geo-Marketing cũng đã được tìm hiểu, thử nghiệm và ứng dụng tại một số ngân hàng và tổ chức tài chính lớn tại Việt Nam, trong bối cảnh số lượng khách hàng sử dụng điện thoại thông minh ngày tăng cao, công nghệ kỹ thuật số và dữ liệu vị trí ngày nay luôn hiện hữu thông qua các thiết bị di động và phương tiện truyền thông xã hội…
PGS.TS. Phạm Thùy Giang cũng cho biết thêm, mục tiêu nghiên cứu của Dự án đó là tổng hợp được cơ sở khoa học về Geo–Marketing, đưa ra thực tiễn về ứng dụng Geo–Marketing trong lĩnh vực ngân hàng để gợi mở cho hoạt động ngân hàng bán lẻ, cụ thể như xác định và tối ưu vị trí đặt ATM, phòng giao dịch,…Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu của Dự án cũng là tài liệu phục vụ cho công tác đào tạo về marketing tại các ngân hàng, giúp các ngân hàng Việt Nam nhận thức tốt hơn về Geo – Marketing và tiềm năng ứng dụng Geo – Marketing trong dịch vụ ngân hàng bán lẻ; đồng thời bổ sung cơ sở lý luận về Geo-Marketing cho các nhà nghiên cứu khoa học, phát triển các nghiên cứu sâu hơn.
Trao đổi tại Hội thảo, các ngân hàng thương mại đều cho rằng đây là Dự án nghiên cứu có tính ứng dụng cao và là gợi mở tốt cho các ngân hàng, nhóm nghiên cứu đã rất nỗ lực để đưa ra những kết quả nghiên cứu bước đầu về ứng dụng của Geo-Marketing trong hoạt động ngân hàng bán lẻ với trường hợp điển hình là mô phỏng việc xác định vị trí đặt ATM của ngân hàng TMCP Quân đội thông qua các thuật toán K-Means, DBSCAN và phần mềm ArcGIS. Bên cạnh đó, đại diện từ các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank và Co-opBank đồng quan điểm cho rằng, đây mới chỉ là những nghiên cứu bước đầu, nhóm nghiên cứu cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển hơn nữa để Geo-Marketing thực sự phát huy hiệu quả, trở thành công cụ hữu ích trong hoạt động ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam.
Tổng hợp tin: Viện Chiến lược ngân hàng
Ảnh: sbv.gov.vn