Hội thảo khoa học “Hoạch định tài chính cá nhân hướng tới tài chính toàn diện tại Việt Nam”

Ngày 10/12/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Hoạch định tài chính cá nhân hướng tới tài chính toàn diện tại Việt Nam”. Hội thảo do Viện Chiến lược ngân hàng (CLNH), NHNN đầu mối tổ chức với sự tham dự của gần 120 đại biểu, khách mời bao gồm đại diện các đơn vị thuộc một bộ, ngành có liên quan (Bộ Công Thương, Bộ Tài chính); đại diện Lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị trực thuộc NHNN; Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; các tổ chức tín dụng, hiệp hội, công ty tư vấn trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, công ty trung gian thanh toán; cơ quan báo chí, truyền thông trong ngành Ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Hòa, Viện trưởng Viện CLNH, NHNN phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hòa – Viện trưởng Viện CLNH, NHNN cho biết, trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tài chính toàn diện có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm thiểu bất bình đẳng, nâng cao mức sống của người dân và phát triển kinh tế – xã hội. Trước thực tế đó, ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với nhóm giải pháp về “tăng cường giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính; bảo vệ người tiêu dùng tài chính” được xác định là một trong những trụ cột quan trọng của Chiến lược.

Trong đó, hoạch định tài chính được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu việc thiếu kiến thức, kỹ năng tài chính phù hợp của công chúng, định hướng người dân đến các hành vi tiêu dùng, tiết kiệm, đầu tư… hiệu quả, đóng góp vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm chênh lệch giàu nghèo và tăng cường an sinh xã hội. Hoạch định tài chính cá nhân vừa là một dịch vụ tài chính, đồng thời, thông qua dịch vụ này, các sản phẩm dịch vụ tài chính riêng lẻ như tín dụng, đầu tư, tiết kiệm… được kết hợp trong một tổng thể để mang lạị lợi ích lớn nhất cho người tiêu dùng.

Toàn cảnh Hội thảo

Trình bày tham luận tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện CLNH, NHNN cho biết, xu hướng phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới đã cho thấy hoạch định tài chính cá nhân đang dần trở thành một lĩnh vực được chuyên môn hóa cao và nhận được sự quan tâm lớn từ cơ quan quản lý và cộng đồng. Tại Việt Nam, năng lực hiểu biết tài chính của người dân còn khá thấp so với khu vực và thế giới. Chính vì vậy, xu hướng phát triển các hoạt động tư vấn tài chính cá nhân đã có mặt trong các tổ chức tài chính nhằm nâng cao năng lực tài chính cho khách hàng. Tuy nhiên, những hoạt động này vẫn còn đơn lẻ, chưa mang tính tổng thể, dài hạn cho khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Hiền trình bày tham luận tại Hội thảo.

Theo ông Mai Việt Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông, NHNN, trong bối cảnh  kinh tế, địa chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, các quốc gia trên thế giới đều đặc biệt quan tâm đến việc truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao nhận thức của người dân, gia tăng khả năng tiếp cận tín dụng cũng như các sản phẩm, dịch vụ tài chính, đồng thời bảo vệ người dân, tránh các rủi ro không đáng có. Thời gian qua, NHNN Việt Nam đã và đang thực hiện các hoạt động truyền thông chính sách một cách bài bản và đa dạng với nội dung được xây dựng trên cơ sở những vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm, trong đó, tập trung vào các chính sách mới, tác động trực tiếp đến người sử dụng dịch vụ ngân hàng nhằm nâng cao kiến thức tài chính cho khách hàng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính.

Ông Mai Việt Trung trình bày tham luận tại Hội thảo.

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Phạm Phương Lan – Phó trưởng Khối bán lẻ, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, hiện nay, tốc độ tiếp cận các sản phẩm tài chính, đầu tư của người dân đã phát triển nhanh chóng; cùng với đó, việc triển khai các sản phẩm, dịch vụ tài chính cá nhân cũng được các tổ chức tín dụng đầu tư mạnh mẽ. Nhằm đáp ứng các nhu cầu về phát triển sản phẩm, dịch vụ cá nhân hóa, nhiều tổ chức tín dụng trong đó có BIDV đã tích cực phối hợp với các đối tác để tổ chức các chương trình, sự kiện, cập nhật thị trường tài chính chuyên sâu cho khách hàng, đồng thời, đưa ra nhiều sản phẩm cá nhân chuyên biệt.

Bà Phạm Phương Lan trình bày tham luận tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, bà Nghiêm Thị Thà, Tổng thư ký Hiệp Hội Tư vấn Tài chính Việt Nam đã trình bày về tính tất yếu của phát triển hoạch định tài chính cá nhân, những hạn chế về hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam và đề xuất các giải pháp phát triển tài chính cá nhân để góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Bà Nghiêm Thị Thà trình bày tham luận tại Hội thảo.

Tại phần case study của hội thảo, ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết, Học viện Ngân hàng sẽ bắt đầu triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao chuyên ngành hoạch định và tư vấn tài chính từ năm 2025. Mục tiêu của chuyên ngành hoạch định và tư vấn tài chính là đào tạo được những sinh viên có phẩm chất đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp, khả năng giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực lập kế hoạch và tư vấn tài chính một cách hiệu quả.

Ông Nguyễn Thanh Phương phát biểu tại Hội thảo.

Chia sẻ về thực tiễn triển khai hoạch định tài chính cá nhân cho khách hàng, ông Huỳnh Minh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT cho biết, nhu cầu trong lĩnh vực tư vấn hoạch định tài chính cá nhân ngày càng gia tăng do người dân tham gia vào thị trường tài chính ngày càng nhiều hơn, sâu rộng hơn. Hiện nay, FIDT là một trong những đơn vị tiên phong trên thị trường xây dựng mô hình tư vấn hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp cho khách hàng dịch vụ tư vấn tài chính một cách bài bản, chuyên nghiệp.

ông Huỳnh Minh Tuấn phát biểu tại Hội thảo.

Tại phiên trao đổi thảo luận, các đại biểu và đại diện các đơn vị đã đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh chủ đề Hội thảo, trong đó tập trung vào các vấn đề: (i) thực tiễn triển khai tư vấn tài chính tại các công ty tài chính cho khách hàng trong quá trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ để nâng cao hiệu quả hoạch định tài chính cá nhân; (ii) thúc đẩy hoạch định tài chính cá nhân, tăng cường bảo vệ người tiêu dùng tài chính; (iii) thực tiễn tư vấn tài chính cá nhân cho khách hàng tài chính vi mô, hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính cá nhân; (iv) hoạch định tài chính cá nhân cho đối tượng chính sách, người yếu thế thông qua hình thức tổ tiết kiệm và vay vốn; (v) ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy dịch vụ tài chính cá nhân.

Phát biểu kết luận, Viện trưởng Viện CLNH Nguyễn Thị Hòa khẳng định, qua những phân tích, đánh giá và chia sẻ tại Hội thảo, có thể thấy, hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam còn ở giai đoạn ban đầu, tỉ trọng người trưởng thành Việt Nam có kiến thức tài chính ở khoảng cách xa so với một số nước khu vực, hành vi tài chính của nhóm này còn thiếu bền vững, đa số tập trung vào nhu cầu ngắn hạn thay vì xây dựng kế hoạch tài chính dài hạn. Hoạt động tư vấn tại các tổ chức tài chính hiện nay chủ yếu mang tính chất tư vấn sản phẩm tài chính đơn lẻ mà chưa đáp ứng được nhu cầu xây dựng kế hoạch tài chính tổng thể cho khách hàng. Tuy nhiên, Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh mẽ về tài chính cá nhân nhờ quá trình tăng trưởng kinh tế, gia tăng tầng lớp trung lưu và lao động trẻ có trình độ. Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, thực trạng và các thuận lợi, khó khăn trong phát triển hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam, Hội thảo đã đưa ra một số giải pháp chính nhằm phát triển hoạch định tài chính cá nhân, đóng góp vào thực hiện mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia trong giai đoạn tới, cụ thể như sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh giáo dục tài chính cá nhân qua hệ thống giáo dục chính thức và các chương trình truyền thông quốc gia, kết hợp với việc xây dựng thói quen lập kế hoạch tài chính dài hạn cho các cá nhân từ khi còn trẻ. Tập trung vào đối tượng là học sinh, sinh viên, người lao động trẻ để hình thành tư duy tài chính bền vững ngay từ sớm và kết hợp với các công cụ công nghệ hỗ trợ cần thiết.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện các quy định để nâng cao chất lượng tư vấn tại các định chế tài chính, thúc đẩy các định chế tài chính nhằm tăng cường đào tạo và phát triển nhân sự đủ năng lực để tư vấn, hoạch định tài chính cho khách hàng, hướng tới cung cấp dịch vụ tư vấn, hoạch định tài chính cá nhân chuyên nghiệp, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tài chính, công ty công nghệ tài chính ứng dụng các công nghệ hiện đại, phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động, nền tảng trực tuyến, công cụ tự động hóa giúp khách hàng quản lý, hoạch định tài chính cá nhân dễ dàng và hiệu quả hơn.

Thứ tư, thúc đẩy tổ chức hiệp hội ngành nghề trong lĩnh vực tài chính ban hành các nguyên tắc, tiêu chuẩn hành nghề nhằm phát triển các thông lệ tốt nhất trong hoạt động tư vấn tài chính, đặc biệt chú trọng các nguyên tắc đạo đức của người tư vấn, tuân thủ các quy định của pháp luật và thông lệ, chuẩn mực hiện đại, lấy khách hàng làm trung tâm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng tài chính.

Thứ năm, tăng cường hợp tác giữa các tổ chức tài chính và các trường đại học, các tổ chức đào tạo quốc tế để cung cấp chương trình đào tạo chuyên sâu về tư vấn, hoạch định tài chính cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tin bài & Ảnh: Thời báo Ngân hàng; Tạp chí Ngân hàng; Viện CLNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *