Hội thảo khoa học: Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi “tín dụng đen”

Ngày 18/7/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi “tín dụng đen”. Hội thảo do Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN đầu mối tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn. Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành; một số vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN, chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố; các ngân hàng thương mại, công ty tài chính; các trường, học viện, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng; các cơ quan báo chí, truyền thông trong Ngành.

Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn đánh giá, tín dụng tiêu dùng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh việc đáp ứng những nhu cầu chính đáng của người dân, tín dụng tiêu dùng còn kích cầu sức mua, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng còn được xem là một giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, điển hình là “tín dụng đen”, giúp giảm thiểu các hệ lụy và góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Dù vậy, cũng cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng hoạt động tín dụng tiêu dùng vẫn còn những hạn chế và gặp nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh quy mô của thị trường tín dụng tiêu dùng ngày càng lớn. Vì vậy, việc đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam lành mạnh, hiệu quả và bền vững là rất cần thiết, góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen”.

Toàn cảnh Hội thảo

Trình bày tham luận tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN đánh giá: Một trong những vai trò to lớn của tín dụng tiêu dùng là giúp phân khúc khách hàng yếu thế, khó có khả năng tiếp cận với ngân hàng có thể giải quyết được nhu cầu tài chính mà không phải tìm tới “tín dụng đen”.

Theo TS. Nguyễn Thị Hiền, quan điểm đối với hoạt động tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam có tính xuyên suốt, định hướng phát triển đối với thị trường tín dụng tiêu dùng đã được khẳng định, thể hiện qua Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Hàng năm, Thống đốc NHNN đều ban hành chỉ thị về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng, trong đó luôn quan tâm đến các nhiệm vụ về phát triển hoạt động cho vay phục vụ đời sống, tài chính tiêu dùng.

TS. Nguyễn Thị Hiền trình bày tham luận tại Hội thảo.

Theo bà Mai Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, thời gian qua NHNN đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp về đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, hạn chế “tín dụng đen”, cụ thể: (i) quán triệt xuyên suốt định hướng điều hành tín dụng đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn tín dụng góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống TCTD; (ii) tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động tín dụng tiêu dùng; (iii) thường xuyên chỉ đạo TCTD mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, cho vay với lãi suất hợp lý, đơn giản hóa thủ tục cho vay; (iv) tăng cường khuyến khích các TCTD cần chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ vay vốn của khách hàng, đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng vay vốn và (v) tăng cường hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân.

Bà Mai Thị Trang trình bày tham luận tại Hội thảo.

Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng Giám đốc cho biết, Agribank luôn đi đầu trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là chính sách cho vay tiêu dùng, đẩy lùi “tín dụng đen” nhờ phát huy thế mạnh mạng lưới rộng khắp, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thời gian qua, Agribank đã triển khai nhiều chương trình cho vay tiêu dùng và mang lại hiệu quả kinh doanh cũng như đem lại lợi ích cho người dân và cộng đồng. Tại Hội thảo, ông Lê Hồng Phúc đã trình bày một số kiến nghị của Agribank đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động cho vay tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân trên địa bàn nông thôn.

Ông Lê Hồng Phúc trình bày tham luận tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, bà Trần Thị Thanh Hà, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) đã trình bày khái quát về thực trạng, nguyên nhân khiến người lao động tiếp cận với “tín dụng đen” và những hệ lụy hết sức nặng nề. Bà Trần Thị Thanh Hà cho biết, nhằm giải quyết vấn nạn này, Tổng LĐLĐ đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ người lao động tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính thức, đặc biệt là hoạt động phối hợp với 02 công ty tài chính HD Saison và FE Credit. Trong thời gian tới, Tổng LĐLĐ và các công ty tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả các gói vay ưu đãi cho công nhân, người lao động.

Bà Trần Thị Thanh Hà trình bày tham luận tại Hội thảo.

Đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an, ông Phan Đức Hiệp, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu – ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư cho biết, tình hình về tội phạm “tín dụng đen” đang ngày càng biến tướng, tinh vi và khó kiểm soát do ứng dụng công nghệ hiện đại. Trong bối cảnh như vậy, việc các TCTD ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử trong quá trình ra quyết định cho vay là rất cần thiết và cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Biện pháp này sẽ hỗ trợ các TCTD trong hoạt động nghiệp vụ, giải quyết tận gốc vấn đề định danh cá nhân, giúp khách hàng tiếp cận vốn vay nhanh chóng, thuận lợi.

Ông Phan Đức Hiệp trình bày tham luận tại Hội thảo.

Kết thúc phiên tham luận, ông Nguyễn Đình Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính HD Saison đã trình bày thực triễn triển khai hoạt động kinh doanh của HD Saison trên các khía cạnh: (i) đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm kết hợp với thực hiện chuyển đổi số để nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường trải nghiệm của khách hàng và (ii) thực hành cho vay có trách nhiệm thể hiện bằng việc tuân thủ quy định pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng và đề cao trách nhiệm xã hội.

Ông Nguyễn Đình Đức trình bày tham luận tại Hội thảo.

Tại phiên trao đổi thảo luận, các đại biểu và đại diện các đơn vị đã đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh chủ đề Hội thảo, trong đó tập trung vào các vấn đề: (i) hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về an toàn, quản trị rủi ro trong hoạt động tín dụng tiêu dùng và một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới; (ii) thế khó của các TCTD trước thực trạng người đi vay bùng nợ, những hành động thực tế của công ty tài chính nhằm hỗ trợ người đi vay thực hiện đúng trách nhiệm với khoản vay; (iii) công tác chuyển đổi số trong hoạt động cho vay; (iv) vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính và (v) công tác tuyên truyền, giáo dục về quyền và nghĩa vụ của người đi vay, hậu quả của “tín dụng đen”, kết quả đấu tranh, xử lý của cơ quan chức năng để nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân.

Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn chủ trì phiên thảo luận tại Hội thảo.

Phát biểu kết luận, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn đánh giá cao các bài tham luận và ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo. Trong thời gian tới, để khai thác được tiềm năng của thị trường tín dụng tiêu dùng và giải quyết những tồn tại, thách thức, cần thực hiện các giải pháp trọng tâm sau:

Về phía ngành Ngân hàng, cần: (i) tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; (ii) tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống của các TCTD, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật; (iii) tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện để TCTD đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, bám sát với nhu cầu thị trường, đồng thời có thể phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ứng dụng công nghệ cao; (iv) tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân để người dân hiểu đúng về các kênh tín dụng chính thức cũng như thấy được các hậu quả của “tín dụng đen”; (v) các TCTD cần rà soát, đổi mới phương thức cung cấp thông tin, cách thức tiếp cận khách hàng vay để người dân hiểu đúng, đầy đủ về các sản phẩm, dịch vụ, đồng thời cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công an trong kết nối, khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng dữ liệu này trong hoạt động tín dụng tiêu dùng.

Về phía các bộ, ngành và địa phương, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Tin bài & Ảnh: Vụ Truyền thông; Thời báo Ngân hàng; Tạp chí Ngân hàng; Viện CLNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *