Ngày 12/11/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tại Việt Nam: thực trạng và giải pháp”. Hội thảo do Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN đầu mối tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn. Hội thảo có sự tham dự của khoảng 100 đại biểu, khách mời bao gồm đại diện các đơn vị thuộc một bộ, ngành có liên quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường)…; các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN; các tổ chức tín dụng; các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và các cơ quan báo chí, truyền thông trong Ngành.
Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh, kinh nghiệm của các quốc gia đi đầu trong sản xuất nông nghiệp trên thế giới cho thấy, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.
Tại Việt Nam, xác định tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp sạch, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định, đề ra các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Về phía ngành Ngân hàng, trong những năm qua NHNN Việt Nam đã ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhờ đó, kết quả cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Toàn cảnh Hội thảo
Trình bày tham luận tại Hội thảo, ông Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN cho biết, kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy việc huy động nguồn lực tài chính nói chung và tín dụng ngân hàng nói riêng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là khá đa dạng và được triển khai dưới nhiều hình thức. Chính sách tài chính là một công cụ hữu hiệu, có vai trò định hướng và thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp trong đó có nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Ông Phạm Minh Tú trình bày tham luận tại Hội thảo.
Trình bày về thực trạng kinh tế nông nghiệp tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh mục tiêu hướng đến nền “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” tại Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Theo bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa, sản xuất nông nghiệp bên cạnh yếu tố ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch thì cần chú trọng đến yếu tố hiệu quả cao.
Bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa trình bày tham luận tại Hội thảo.
Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng ban Chính sách tín dụng cho biết, Agribank luôn đi đầu trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là chính sách cho vay nông nghiệp, nông thôn, trong đó có cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Cụ thể, giảm lãi suất cho vay từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm cho khách hàng tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao; cải tiến quy trình, tiết giảm chi phí để mở rộng đầu tư tín dụng giúp khách hàng tiếp cận vốn vay một cách nhanh chóng; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương;…
Ông Nguyễn Văn Bách trình bày tham luận tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN khẳng định nguồn vốn – đặc biệt là vốn tín dụng ngân hàng được xem là yếu tố quan trọng để phát triển lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Thời gian qua NHNN đã triển khai nhiều giải pháp để tạo thuận lợi cho hoạt động tín dụng nói chung cũng như tín dụng phục vụ phát triển lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. NHNN cũng thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, qua đó thúc đẩy tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Bà Hà Thu Giang trình bày tham luận tại Hội thảo.
Tại phần case study của hội thảo, đại diện các đơn vị đã trình bày nhiều ý kiến thực tiễn, tâm huyết về cho vay và tiếp cận tín dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Mặc dù nông nghiệp là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi thiên tai, dịch bệnh nhưng các đại biểu đồng thuận rằng tiềm năng phát triển của lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch ở Việt Nam là rất lớn.
Bà Tô Minh Nguyệt, Giám đốc Tài chính Tập đoàn TH phát biểu tại Hội thảo.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc tài chính Tập đoàn PAN phát biểu tại Hội thảo.
Ông Võ Văn Quang, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á phát biểu tại Hội thảo.
Tại phiên trao đổi thảo luận, các đại biểu và đại diện các đơn vị đã đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh chủ đề Hội thảo, trong đó tập trung vào các vấn đề: (i) những chính sách, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của NHNN nhằm hỗ trợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tại Việt Nam; (ii) hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai nhằm hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và (iii) thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn phát biểu kết luận Hội thảo.
Phát biểu kết luận, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn đánh giá cao các bài tham luận và ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo. Qua đó, Hội thảo đã làm rõ hơn bức tranh tổng thể, toàn diện về những giải pháp mà các quốc gia đã, đang áp dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng; thực trạng hoạt động cấp tín dụng và cung ứng vốn tín dụng đối với loại hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tại Việt Nam; từ đó phân tích những khó khăn, vướng mắc và đề xuất những giải pháp, kiến nghị chính sách để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp ngành Ngân hàng tăng cường khả năng cung ứng vốn tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Tin bài & Ảnh: Thời báo Ngân hàng; Tạp chí Ngân hàng; Viện CLNH