Ngày 16/12/2019, tại Hà Nội, Viện Chiến lược Ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu đề tài KH&CN cấp Bộ: “Cơ chế truyền tải chính sách tiền tệ giai đoạn 2006 – 2016: Cơ sở thiết lập khung khổ điều hành chính sách tiền tệ tại Việt Nam” do TS. Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ làm chủ nhiệm.
Toàn cảnh hội thảo khoa học.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS.Nguyễn Thị Hiền – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) cho biết, trong từng giai đoạn và bối cảnh khác nhau của nền kinh tế, chính sách tiền tệ (CSTT) vẫn luôn giữ một vai trò đặc biệt quan trọng. Sự điều hành khéo léo, chủ động của NHNN trong việc sử dụng linh hoạt và đồng bộ các công cụ của CSTT đã góp phần đáng kể vào kiểm soát lạm phát, khôi phục niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và toàn xã hội sau những giai đoạn bất ổn; cùng với đó đảm bảo giữ ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì mục tiêu tăng trưởng.
Trình bày các nội dung nghiên cứu của Đề tài, TS.Phạm Chí Quang – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Chủ nhiệm đề tài cho biết, mục tiêu nghiên cứu của Đề tài là tạo lập cơ sở khoa học từ các bằng chứng nghiên cứu thực chứng về các kênh truyền tải CSTT trong giai đoạn 2006 – 2016; đánh giá hiệu lực, hiệu quả của các kênh truyền tải CSTT. Bên cạnh đó, Đề tài cũng góp phần định hình quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong tương lai, hướng tới xây dựng khung khổ điều hành CSTT theo thông lệ quốc tế, được nhiều NHTW trên thế giới áp dụng như điều hành chính sách tiền tệ theo lạm phát mục tiêu (inflation targeting).
TS. Phạm Chí Quang – Phó Vụ Trưởng Vụ CSTT, Chủ nhiệm đề tài.
“Hiểu được bản chất cơ chế truyền tải chính sách tiền tệ, đặc biệt là độ trễ và tốc độ tác động của chính sách tiền tệ đến các chỉ số kinh tế vĩ mô như lạm phát, tăng trưởng, sản lượng công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, chỉ số giá chứng khoán… là chìa khóa để nâng cao hiệu lực thực thi chính sách tiền tệ tại Việt Nam. Qua nghiên cứu thực tiễn, Đề tài định hướng giải đáp nhu cầu cấp thiết của các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam trong việc phân tích các kênh truyền dẫn nêu trên” – TS. Phạm Chí Quang cho biết.
Đại diện Vụ Quản lý ngoại hối NHNN trao đổi tại hội thảo.
Tại buổi hội thảo, kết quả nghiên cứu của Đề tài đã được các đại biểu đến từ các đơn vị chức năng thuộc NHNN, các ngân hàng thương mại và các đơn vị nghiên cứu đánh giá rất cao. Kết quả nghiên cứu của đề tài không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn là cơ sở quan trọng để điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong giai đoạn tới, đồng thời là thông điệp truyền thông chính sách mạnh mẽ từ Cơ quan quản lý tới các ngân hàng thương mại.
Ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế, Ngân hàng TMCP Hàng Hải phát biểu tại hội thảo.
Đại diện Vietcombank phát biểu tại hội thảo.
Đại diện Học viện Ngân hàng phát biểu tại hội thảo.
Kết luận buổi hội thảo, TS. Nguyễn Thị Hiền – Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp mới của Đề tài đối với hoạt động nghiên c21ứu khoa học của NHNN. Đề tài đóng góp vào lĩnh vực nghiên cứu CSTT thông qua việc bổ sung cơ sở khoa học và thực tiễn từ rà soát, cập nhật các lý thuyết liên quan, cung cấp các bằng chứng nghiên cứu thực chứng về hiệu lực, hiệu quả thực thi CSTT thông qua cơ chế truyền tải chính sách tiền tệ tại Việt Nam trong giai đoạn 2006-2016. Trong thời gian tới, TS. Nguyễn Thị Hiền mong muốn nhóm thực hiện Đề tài tiếp tục mở rộng nghiên cứu, phân tích bối cảnh kinh tế vĩ mô thay đổi để xây dựng được các mô hình dự báo CSTT cho giai đoạn tương lai./.
Ảnh & Tin bài: Viện Chiến lược Ngân hàng