Sáng 23/3/2023 tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Viện Chiến lược Ngân hàng (CLNH) đã tổ chức Hội thảo giới thiệu kết quả nghiên cứu của Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Bộ “Hoàn thiện hệ thống tiêu chí xếp hạng tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam” (mã số ĐTNH.002/20) do TS. Nguyễn Phi Lân – Phó Vụ trưởng Vụ Ổn định tiền tệ – tài chính NHNN làm chủ nhiệm đề tài.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Minh Tú – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng nhấn mạnh, xếp hạng các TCTD là một trong những công cụ quan trọng của NHNN trong công tác quản lý, giám sát hệ thống các TCTD.
TS. Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng
phát biểu khai mạc Hội thảo.
Theo TS. Nguyễn Phi Lân – Phó Vụ trưởng Vụ Ổn định tiền tệ – tài chính NHNN – Chủ nhiệm đề tài, việc đổi mới phương pháp và các công cụ giám sát ngân hàng có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Đối với hệ thống tiêu chí xếp hạng hiện tại, đại diện nhóm nghiên cứu thông tin, ngày 12/3/2008, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 06/2008/QĐ- NHNN (Quyết định 06) quy định xếp loại các NHTM cổ phần. Việc ban hành Quyết định 06 góp phần quan trọng trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là công tác thanh tra, giám sát, cơ cấu lại các TCTD. Sau nhiều năm, Quyết định 06 đã không còn phù hợp với quy mô, mức độ phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng của hệ thống các TCTD. Do vậy, ngày 31/12/2018, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 52/2018/TT-NHNN (Thông tư 52) về quy định xếp hạng các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thay thế Quyết định 06.
TS. Nguyễn Phi Lân, Chủ nhiệm Đề tài trao đổi về kết quả nghiên cứu.
Đánh giá về hệ thống tiêu chí xếp hạng các TCTD tại NHNN Việt Nam trên cơ sở so sánh với thông lệ quốc tế, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, tương tự với phương pháp xếp hạng (đánh giá rủi ro) của các nước và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế, phương pháp xếp hạng của Việt Nam cũng dựa trên việc lượng hóa mức độ rủi ro của các TCTD thông qua việc tính điểm các chỉ tiêu theo các tiêu chí CAMELS; trong đó, trọng số của các tiêu chí CAMELS được xác định căn cứ trên tầm quan trọng của các tiêu chí này trong việc phản ánh mức độ rủi ro, thực trạng hoạt động của TCTD. Từng tiêu chí trên sẽ bao gồm nhóm chỉ tiêu định lượng và nhóm chỉ tiêu định tính. Căn cứ vào mức xếp hạng đạt được, các ngân hàng được xếp vào một trong các hạng sau: Tốt (A); Khá (B); Trung bình (C); Yếu (D); Yếu kém (E).
Tuy vậy, cũng cần thận trọng và khách quan nhìn rõ những tồn tại, hạn chế của hệ thống xếp hạng CAMELS khi áp dụng tại thị trường Việt Nam. Theo đó, cách tiếp cận hiện tại để đánh giá ngân hàng được Việt Nam sử dụng với thiết kế CAMELS về bản chất tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp và quy định ngân hàng của Mỹ. Điều này ở một mức độ nào đó không hoàn toàn phù hợp với đặc điểm của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Chẳng hạn chỉ tiêu về vốn, trong quá trình xây dựng, ban hành khung khổ pháp lý cần thiết hướng dẫn các ngân hàng triển khai đầy đủ 03 trụ cột của Basel II, NHNN đã ban hành Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh NHNN (Thông tư số 41). Theo quy định tại Thông tư 41, các NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bắt đầu áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II từ 01/01/2020; theo đó tỷ lệ CAR tối thiểu được quy định là 8%, thấp hơn 1% so với mức tỷ lệ CAR 9% quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh NHNN (Thông tư số 22).
Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn khó khăn của ngành Ngân hàng trong giai đoạn tái cơ cấu, xử lý nợ xấu 2016-2020 và ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đến cuối năm 2020, một số NHTM vẫn đang thực hiện quy định về tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 22 và chưa thể áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn tại Thông tư 41. Việc xây dựng ngưỡng, trọng số đánh giá vốn áp dụng riêng đối với NHTM, chi nhánh NHNN áp dụng Thông tư 41 sẽ giúp tạo sự công bằng giữa TCTD áp dụng Thông tư số 41 và Thông tư số 22 trong việc tính điểm và xếp hạng.
Trong bối cảnh ngành Ngân hàng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD cũng như hoàn thiện thể chế trong hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu nêu ra một số giải pháp hoàn thiện hệ thống tiêu chí xếp hạng các TCTD của NHNN.
Theo đó, nhóm kiến nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 1, 2, 3 Điều 20 theo hướng phân hạng chi tiết hơn đối với các hạng A, B, C. Nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị sửa đổi Điều 14 theo hướng: bổ sung ngưỡng, trọng số của các chỉ tiêu về vốn đối với các NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng Thông tư số 41. Ngoài ra, giảm trọng số đối với NHTM (quy mô lớn, nhỏ) từ 45% xuống 40% và tăng ngưỡng của tất cả các nhóm đồng hạng đối với tỷ lệ nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu so với tổng nợ cộng thêm các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được, tăng ngưỡng của tất cả các nhóm đồng hạng đối với tỷ lệ nợ Nhóm 2 so với tổng nợ.
Bên cạnh đó, để khuyến khích việc TCTD tăng cường công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ nhằm tự phát hiện các hành vi vi phạm (nếu có) trong quá trình hoạt động, từ đó kịp thời có các biện pháp xử lý, nhóm Nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung nguyên tắc trừ điểm tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 16 Thông tư số 52.
Cụ thể, TCTD không có hành vi vi phạm quy định pháp luật được phát hiện trong năm xếp hạng và các vi phạm phát hiện trước năm xếp hạng đã khắc phục xong tại từng chỉ tiêu trong nhóm chỉ tiêu định tính thì được điểm 5 (mức điểm tối đa). Các hành vi vi phạm do TCTD tự phát hiện và báo cáo nhưng chưa khắc phục xong sẽ bị trừ 0,05 điểm (theo quy định tại Thông tư số 52 là trừ 0,1 điểm) đối với mỗi vi phạm (áp dụng từ lần vi phạm thứ hai trở lên đối với TCTD nhiều vi phạm); các hành vi vi phạm do TCTD tự phát hiện, báo cáo và đã khắc phục xong theo đánh giá của NHNN sẽ không bị trừ điểm.
Các đại biểu trao đổi ý kiến và thảo luận tại Hội thảo.
Trao đổi tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đều cho rằng việc hoàn thiện hệ thống tiêu chí xếp hạng các TCTD hàng năm để nhận diện, phát hiện các TCTD yếu kém đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác quản lý nhà nước của lĩnh vực ngân hàng. Vì vậy, những kết quả nghiên cứu và đề xuất, kiến nghị của Đề tài có ý nghĩa thiết thực trong việc đổi mới, hoàn thiện các phương pháp và công cụ giám sát ngân hàng trong thời gian tới.
Tin bài & Ảnh: Thời báo Ngân hàng; Viện Chiến lược Ngân hàng