Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Bộ “Phát triển dịch vụ ngân hàng trong bối cảnh ứng dụng công nghệ 4.0 ở Việt Nam”

Sáng 26/04/2023 tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Viện Chiến lược Ngân hàng (CLNH) đã tổ chức Hội thảo giới thiệu kết quả nghiên cứu của Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Bộ “Phát triển dịch vụ ngân hàng trong bối cảnh ứng dụng công nghệ 4.0 ở Việt Nam” (mã số ĐTNH.016/20) do ThS. Nguyễn Mạnh Hùng – Thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) làm chủ nhiệm.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Minh Tú – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) tới quá trình thay đổi hình thái sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã và đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Lĩnh vực ngân hàng luôn đi đầu trong việc ứng dụng các công nghệ là thành tựu của cuộc CMCN 4.0 như phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, xác thực sinh trắc học,… để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng, tiện ích, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

TS. Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng

phát biểu khai mạc Hội thảo.

ThS. Nguyễn Mạnh Hùng – Thành viên Hội đồng Quản trị, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) – Chủ nhiệm đề tài cho biết, nhóm nghiên cứu lựa chọn chủ đề nghiên cứu trên với mục đích đánh giá tổng thể mức độ phát triển dịch vụ ngân hàng trong điều kiện ứng dụng công nghệ 4.0, chỉ ra những điểm nghẽn trong quá trình nghiên cứu và ứng dụng công nghệ 4.0 của hệ thống NHTM Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất hệ thống giải pháp cần thiết và khuyến nghị khung pháp lý phù hợp cho phát triển dịch vụ ngân hàng trong bối cảnh hiện nay.

ThS. Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ nhiệm đề tài trao đổi tại Hội thảo.

Th.S Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, hiện nay nhiều ngân hàng đã thực hiện nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và từng bước chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa như TPBank với ngân hàng tự động LiveBank, Vietcombank với không gian ngân hàng số Digital Lab và ngân hàng số VCB Digibank, VietinBank với core-banking thế hệ mới và kho dữ liệu doanh nghiệp (EDW) hiện đại.

ThS. Tô Thị Diệu Loan Thành viên đại diện nhóm

trình bày kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Hội thảo.

Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, theo khảo sát hiện các ngân hàng đã ứng dụng nhiều công nghệ là thành tựu của cuộc CMCN 4.0 như phân tích dữ liệu với công nghệ trí tuệ nhân tạo để tiến hành phân tích hành vi khách hàng nhằm xây dựng chính sách bán hàng cho phù hợp, chấm điểm tín dụng nhằm duyệt hạn mức thấu chi hay phát hành thẻ tín dụng bằng cách kết hợp chỉ số tín nhiệm với dữ liệu lịch sử giao dịch của khách hàng, ngân hàng có thể đưa ra điểm số rủi ro khi quyết định cấp tín dụng và xây dựng các chương trình thưởng cho khách hàng thân thiết. Ngoài ra, xu hướng hợp tác giữa các ngân hàng với Fintech, Bigtech đang là một xu hướng nổi bật. Bên cạnh đó, định hướng xây dựng ngân hàng mở với hệ sinh thái dịch vụ ngân hàng đầy đủ đã và đang được nhiều ngân hàng xây dựng và triển khai. Khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy mở rộng hệ sinh thái dịch vụ ngân hàng (Open Banking) được cho là một trong ba xu hướng chủ đạo trong thời gian tới bên cạnh việc cá nhân hóa dịch vụ và triển khai ngân hàng hợp kênh.

Tuy nhiên theo nhóm nghiên cứu, vẫn còn một số hạn chế trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng ứng dụng công nghệ 4.0. Cụ thể là các vấn đề pháp lý trong quá trình phát triển dịch vụ ngân hàng ứng dụng công nghệ số; hạn chế về nguồn nhân lực để triển khai các hoạt động số hóa; việc ứng dụng công nghệ 4.0 tập trung nhiều và đạt được nhiều kết quả ở dịch vụ thanh toán cũng như tiền gửi, trong khi đó dịch vụ tín dụng mới ở những bước đầu. Bên cạnh đó, mức độ trưởng thành, khả năng hấp thụ công nghệ số của các nhóm khách hàng là rất khác nhau dẫn tới khả năng tiếp cận khách hàng ở một số phân khúc trung và cao tuổi hoặc tập khách hàng ở vùng sâu vùng xa trên kênh số/điện tử gặp khó khăn.

Trao đổi tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu đề xuất cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản về giao dịch điện tử để phù hợp với thực tiễn ứng dụng công nghệ số; quy định cụ thể về an ninh an toàn bảo mật trong giao dịch điện tử; quy định cụ thể về ký giao kết thỏa thuận/hợp đồng điện tử; quy định định danh, xác thực trong giao dịch điện tử.

Cùng với đó, sửa đổi quy định tại Luật các TCTD và các văn bản hướng dẫn về cho vay trực tuyến đối với các khoản vay cá nhân, giá trị nhỏ theo hướng yêu cầu về thẩm định, cho vay, quy trình nội bộ,… phù hợp để có thể thực hiện tự động hóa hoàn toàn; sửa đổi bổ sung các quy định về hoạt động thanh toán phù hợp với sản phẩm dịch vụ mới và xu thế hợp tác ngân hàng – Fintech.

Các ý kiến trao đổi tại Hội thảo đều đồng thuận rằng các TCTD cần tiếp tục ưu tiên đầu tư, ứng dụng các công nghệ là thành tựu của CMCN 4.0 vào hoạt động ngân hàng; ưu tiên phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng theo mô hình ngân hàng số. Cùng với đó, cần đẩy mạnh phân tích, khai thác nguồn dữ liệu, tối ưu hóa quy trình vận hành, nâng cấp hạ tầng thanh toán để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng một cách đa dạng, tiện ích, đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin.

Tin bài & Ảnh: Thời báo Ngân hàng; Viện Chiến lược Ngân hàng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *