Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu Đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ: “Phát triển năng lực số cho nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam”

Ngày 31/7/2024 tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Viện Chiến lược ngân hàng (CLNH) đã tổ chức Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ “Phát triển năng lực số cho nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam” (mã số ĐTNH.028/22) do PGS.TS Đặng Thị Huyền Anh – Phó Trưởng khoa, Khoa Kinh tế, Học viện Ngân hàng làm chủ nhiệm.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PSG.TS. Chu Khánh Lân, Phó Viện trưởng Viện CLNH nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ quan điểm về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030. Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), phát triển nguồn nhân lực cần gắn với sự phát triển khoa học và công nghệ và quá trình chuyển đổi số của đất nước.

Tại Sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024, một trong sáu nhiệm vụ, giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặt ra cho toàn Ngành, đó là: “Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của ngành Ngân hàng. Có chính sách thu hút, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu về công tác chuyển đổi số ngành Ngân hàng”.

.

PGS. TS. Chu Khánh Lân phát biểu khai mạc Hội thảo

PGS.TS Đặng Thị Huyền Anh – Chủ nhiệm Đề tài nhận định, sự phát triển đột phá của công nghệ thông tin và truyền thông đã tạo ra những điều kiện mới cho xã hội tri thức, trong đó năng lực số là yếu tố quan trọng. Đây là những kỹ năng, kiến thức cần thiết để người dân có thể học tập và làm việc trong xã hội số.

PGS.TS Đặng Thị Huyền Anh trình bày kết quả nghiên cứu của Đề tài.

Trong xu hướng chung đó, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn mang tính chiến lược và ưu tiên hàng đầu của ngành Ngân hàng. Để thúc đẩy chuyển đổi số, ngành Ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để tập trung triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số và đã đạt được nhiều thành quả trên các trụ cột quan trọng về chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng công nghệ, ứng dụng khai thác dữ liệu và phát triển các mô hình ngân hàng số, công tác bảo đảm an ninh, an toàn.

Đối với các ngân hàng thương mại (NHTM), chuyển đổi số nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số theo hướng phát triển đa dạng các kênh phân phối, tự động hóa quy trình nghiệp vụ, thúc đẩy hợp tác với các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và trung gian thanh toán để hình thành hệ sinh thái số. Vì vậy nguồn nhân lực ở các NHTM cần có năng lực số để đáp ứng được các yêu cầu công việc trong quá trình chuyển đổi số, chẳng hạn như làm việc trên môi trường internet, sử dụng các thiết bị thông minh, sử dụng dữ liệu và đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu,… Điều này đặt ra bài toán cho các NHTM trong việc tuyển dụng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có năng lực số phù hợp với vị trí công việc.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng chính sách phát triển năng lực số cho nguồn nhân lực trong các NHTM đã đem đến kết quả tích cực. Nhân lực ở các NHTM đã có những kỹ năng cơ bản, nền tảng về công nghệ số để áp dụng trong công việc. Số lượng nhân lực được qua đào tạo, có trình độ về công nghệ thông tin của ngành Ngân hàng tăng dần qua các năm. Nhân lực ngân hàng có kỹ năng số cũng có sự gia tăng ở nhiều vị trí việc làm như tín dụng, thẩm định, kế toán, giao dịch… với chất lượng nhân lực ngày càng được cải thiện. Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu, đối với các vị trí chuyên môn và công việc khác nhau tại các NHTM, bao gồm cả trụ sở chính, chi nhánh và phòng giao dịch, có 96,2% người được hỏi đã áp dụng năng lực số vào công việc hiện tại của mình.

Tuy nhiên, việc phát triển năng lực số cho nhân lực ngành Ngân hàng vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể là khung năng lực số chung cho toàn Ngành chưa được xây dựng, dẫn tới khó khăn và thiếu đồng bộ trong đánh giá chất lượng nguồn nhân lực cũng như xác định các tiêu chuẩn đào tạo, tuyển dụng. Chất lượng lao động có kỹ năng số còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, chưa có chính sách cụ thể về sử dụng, đãi ngộ đối với nhân lực có kỹ năng số cao. Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy, chỉ có 19,4% người được khảo sát cho rằng họ thường xuyên sử dụng năng lực số trong công việc; 60,4% đã sử dụng năng lực số trong công việc nhưng không thường xuyên; 16,4% cho rằng họ rất ít sử dụng năng lực số và 3% cho rằng họ không bao giờ sử dụng năng lực số trong công việc.

Trao đổi tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng để nâng cao năng lực số cho nhân lực ngành Ngân hàng trong thời gian tới đặc biệt là tại các NHTM, cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, từ đó tạo động lực phát triển năng lực số cho nhân lực ngành Ngân hàng, tiến tới xây dựng khung năng lực số chung cho toàn Ngành. Đối với các NHTM, cần quan tâm đầu tư trang thiết bị và tạo môi trường làm việc thuận lợi để phát triển các kĩ năng số cho nhân viên, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số một cách toàn diện, tạo điều kiện cho nhân viên có cơ hội tiếp xúc với các sản phẩm số, các ứng dụng số hay môi trường làm việc số và tạo cho nhân viên động lực cần thiết phải thay đổi, trau dồi kiến thức, kĩ năng số để nâng cao năng lực số của cá nhân và đóng góp vào hoạt động của tổ chức.

Tin bài & Ảnh: Thời báo Ngân hàng; Viện Chiến lược ngân hàng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *