Ngày 18/9/2024 tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Viện Chiến lược ngân hàng (CLNH) đã tổ chức Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ “Quản trị Quỹ tín dụng nhân dân – Thực trạng và đề xuất chính sách nhằm đảm bảo hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động an toàn, ổn định, phù hợp với thông lệ quốc tế” (mã số ĐTNH.003/22) do ThS. Hoàng Việt Dũng, Cục trưởng Cục III, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN làm chủ nhiệm.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Chu Khánh Lân, Phó Viện trưởng Viện CLNH cho biết, hợp tác xã (HTX) là mô hình tổ chức mang tính chất xã hội và nhân văn. Mô hình kinh tế hợp tác là mô hình đối nhân trong liên kết sản xuất, nơi tập hợp những người sản xuất không có nhiều lợi thế về tư liệu sản xuất cũng như tay nghề. Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) ở Việt Nam đã khẳng định được vị thế và vai trò của mô hình kinh tế HTX kiểu mới trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Các QTDND có vai trò quan trọng giúp người dân tại các địa phương tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính thức, góp phần nâng cao đời sống, tạo công ăn việc làm, hạn chế tình trạng “tín dụng đen”.
Tuy nhiên, quá trình phát triển của hệ thống QTDND đã bộc lộ một số yếu kém, bất cập và tiềm ẩn rủi ro cao, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Sau khi thực hiện tái cơ cấu, hệ thống QTDND đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các quỹ được nâng lên, đảm bảo an toàn hoạt động theo các quy định của NHNN.
PGS. TS. Chu Khánh Lân phát biểu khai mạc Hội thảo.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Thị Ngọc Anh, Thư ký Đề tài đã trình bày những kết quả nghiên cứu chính gồm các nội dung: (i) đánh giá toàn diện thực trạng quản trị QTDND; (ii) đánh giá hoạt động quản trị QTDND và (iii) đề xuất các giải pháp đổi mới quản trị QTDND.
TS. Nguyễn Thị Ngọc Anh trình bày kết quả nghiên cứu của Đề tài.
Theo nhóm nghiên cứu, nguyên nhân chủ yếu của những yếu kém trong quản trị QTDND là do chưa đáp ứng hoặc chưa đạt tới các quy tắc quản trị của một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho hoạt động quản trị, điều hành, kiểm soát QTDND là cần phải nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong quản trị nhằm tạo ra một hệ thống QTDND ổn định.
Trên cơ sở những đánh giá, phân tích về thực trạng hoạt động quản trị QTDND, nhóm nghiên cứu đã đề xuất bốn nhóm giải pháp đổi mới quản trị QTDND gồm: (i) nhóm giải pháp cải thiện quản trị nội bộ QTDND; (ii) nhóm giải pháp tạo hành lang pháp lý để quản trị QTDND hoạt động an toàn hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế; (iii) nhóm giải pháp trong xây dựng chính sách, chiến lược và các quy định nội bộ của QTDND và (iv) nhóm giải pháp hỗ trợ cho đổi mới quản trị QTDND.
Trao đổi tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện cơ quan quản lý nhà nước và các QTDND cho rằng, Đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao, cung cấp luận cứ khoa học để cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến tổ chức và hoạt động của QTDND. Các đại biểu cũng nhất trí rằng cần có sự hướng dẫn, thống nhất đối với các QTDND về xây dựng Điều lệ mẫu, các quy định nội bộ mẫu cho các QTDND; xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ công tác quản trị QTDND để đảm bảo hệ thống QTDND hoạt động an toàn, ổn định và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tin bài & Ảnh: Thời báo Ngân hàng; Viện Chiến lược ngân hàng