Kinh nghiệm quản lý và giám sát các công ty tài chính phi ngân hàng của Ấn Độ và gợi ý chính sách cho Việt Nam

Ấn Độ là quốc gia có hệ thống các công ty tài chính phi ngân hàng (non-banking financial companies, viết tắt là NBFC) phát triển và đa dạng về loại hình hoạt động. Đến nay, các công ty tài chính phi ngân hàng của Ấn Độ đã đạt được những thành công lớn, đóng góp của những công ty này vào nền kinh tế Ấn Độ đã tăng lên nhanh chóng từ 8,4% GDP trong năm 2006 lên trên 14% GDP vào tháng 3 năm 2015. Về các tài sản tài chính, NBFC đã có sự tăng trưởng lành mạnh – với tỷ lệ tăng trưởng gộp hàng năm là 19% trong những năm qua, chiếm 13% tổng tín dụng và được dự báo là sẽ tăng lên 18% trong năm 2018-2019. Về loại hình hoạt động, hiện Ấn Độ có 13 loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng, ví dụ như các công ty tài trợ mua tài sản, các công ty đầu tư, các công ty tài trợ cơ sở hạ tầng[1]

Khi tình hình căng thẳng vẫn đang tiếp diễn trong các ngân hàng thuộc khu vực công do các khoản nợ xấu tăng lên, xu hướng cho vay của những tổ chức này (đặc biệt là ở khu vực nông thôn) giảm đi, tạo cơ hội cho các NBFC tăng cường hiện diện trên thị trường. Mặt khác, NBFC cũng hoạt động thành công nhờ ưu thế các dòng sản phẩm của họ đang dần trở nên tốt hơn, chi phí hoạt động giảm đi, phạm vi hoạt động rộng hơn, khả năng quản lý rủi ro tốt hơn và thấu hiểu các phân khúc khách hàng hơn.

Các công ty tài chính phi ngân hàng ngày càng mở rộng hoạt động đã đặt ra bài toán cho Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) trong việc quản lý các công ty này sao cho hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn hệ thống, vừa hỗ trợ tối đa cho các NBFC phát triển.

  1. Khác biệt giữa công ty tài chính phi ngân hàng và ngân hàng

Các NBFC thực hiện cho vay và tiến hành các hoạt động đầu tư – các hoạt động tương tự như hoạt động của ngân hàng. Một số NBFC đăng ký hoạt động kinh doanh với Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ có thể nhận các khoản tiền gửi và phải tuân thủ các quy định được nêu tại mục Hướng dẫn các công ty tài chính phi ngân hàng được nhận tiền gửi do RBI ban hành, bao gồm:

(i) NBFCs được phép nhận tiền gửi dân cư trong thời gian tối thiểu là 12 tháng và thời gian tối đa là 60 tháng

(ii) Các công ty này không được phép nhận tiền gửi thanh toán

(iii) Các NBFC không thể cung ứng các khoản tiền gửi với mức lãi suất cao hơn lãi suất trần theo quy định của RBI trong các khoảng thời gian

(iv) Các công ty này không thể cung cấp bất kỳ quà tặng, ưu đãi hoặc bất kỳ lợi ích nào khác cho người gửi tiền

(v) Các khoản tiền gửi tại NBFCs không được bảo hiểm

(vi) Các NBFCs phải có mức xếp hạng tín dụng tối thiểu

(vii) RBI không bảo đảm khả năng hoàn trả các khoản tiền gửi của NBFCs.

Như vậy, mặc dù có những hoạt động tương tự như hoạt động của ngân hàng thương mại, các NBFC vẫn có những điểm khác biệt điển hình so với các NHTM: (a) NBFC không được nhận tiền gửi thanh toán, (b) NBFC không phải là một bộ phận của hệ thống thanh quyết toán và không thể thực hiện dịch vụ cung ứng và phát hành séc, và (c) những khoản tiền gửi tại NBFC không được bảo hiểm.

  1. Quản lý Nhà nước đối với các công ty tài chính phi ngân hàng Ấn Độ

Trong vài thập niên qua, các NBFC tại Ấn Độ đã phát triển và trở thành những trung gian tài chính quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt là ở mảng bán lẻ, những khoản cho vay quy mô nhỏ, phục vụ người dân ở những khu vực chưa được tiếp cận nhiều với các dịch vụ ngân hàng, là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy tài chính toàn diện ở Ấn Độ. Do tầm quan trọng của các NBFC trong hệ thống tài chính Ấn Độ ngày càng tăng dẫn đến việc thay đổi khung khổ giám sát đối với các tổ chức này. Khung khổ giám sát các NBFC đã thay đổi theo một chu kỳ phát triển, từ giai đoạn quản lý đơn giản hóa đến các quy định nghiêm ngặt và mở rộng phạm vi giám sát, cuối cùng là khung khổ giám sát hợp lý hóa đã được sửa đổi gần đây.

Từ năm 1964, tại chương IIIB của Luật Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã đề cập đến việc giám sát và quản lý các NBFC được phép nhận tiền gửi. Sau đó, do sự phát triển của các NBFC cũng như mối quan hệ ngày càng chặt chẽ của NBFC với các tổ chức khác trong hệ thống tài chính, tiếp đó là sự sụp đổ của các NBFC lớn, một khung khổ giám sát toàn diện hơn và phù hợp hơn đã được RBI đề xuất vào năm 1996 và năm 1997. Khung khổ giám sát này quy định điều kiện gia nhập thị trường cho các NBFC, cùng với những quy định chi tiết hơn và chặt chẽ hơn đối với việc nhận tiền gửi của các NBFC như duy trì một tỷ lệ tiền gửi trên tài sản thanh khoản nhất định, yêu cầu phải có một quỹ dự trữ…Trọng tâm quản lý của RBI lúc này là hướng tới các NBFC được phép nhận tiền gửi. Năm 1999, yêu cầu về vốn đối với các NBFC muốn gia nhập thị trường tăng từ 2,5 triệu rupi lên 20 triệu rupi (tương đương với 313.000 USD). Ngoài ra, trong năm 2006, các NBFC không nhận tiền gửi được phân loại cụ thể hơn thành các NBFC có ý nghĩa quan trọng với hệ thống và các NBFC không có ảnh hưởng lớn đến hệ thống, với tiêu chuẩn phân loại là theo tổng tài sản. Qua đó, trọng tâm quản lý của RBI chuyển một phần từ các NBFC nhận tiền gửi sang các NBFC không nhận tiền gửi.

Mức độ rủi ro của hệ thống các tổ chức tài chính phi ngân hàng trên phạm vi toàn cầu đã được nhận thấy rõ ràng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trong bối cảnh của Ấn Độ, các biện pháp quản lý chưa thực sự chặt chẽ đối với khu vực NBFC đã làm gia tăng các khoản tín dụng dưới chuẩn và tăng tỷ lệ đòn bẩy tài chính. Kết quả là cuộc khủng hoảng thanh khoản từ khu vực này đã lan sang khu vực ngân hàng truyền thống. Sự kiện này khiến Ấn Độ cùng với chính phủ của các nước khác tiến hành cải thiện khung khổ giám sát, quản lý đối với hệ thống ngân hàng ngầm để giảm thiểu các rủi ro phát sinh từ đó.[2] Đồng thời, RBI cũng nhận thấy vai trò quan trọng của NBFC trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện khi lấp đầy những khoảng trống dịch vụ tại những khu vực không được các ngân hàng truyền thống coi là trọng tâm. Từ hai cơ sở trên, RBI đã từng bước cải thiện khung khổ giám sát và quản lý đối với NBFC để phù hợp với sự phát triển cũng như tầm quan trọng và mức ảnh hưởng đến hệ thống tài chính của khu vực này. Đến năm 2014, khung khổ giám sát của RBI được sửa đổi để tập trung vào các NBFC có thể gây rủi ro cho hệ thống và để cho các NBFC nhỏ hơn hoạt động tự do. Đầu tiên là sửa đổi ngưỡng phân loại các NBFC quan trọng từ mức 1 tỷ rupi lên 5 tỷ rupi (tương đương với 78,2 triệu USD). Dưới khung khổ giám sát mới, các NBFC không nhận tiền gửi có tài sản nhỏ hơn 5 tỷ rupi được coi là không có ảnh hưởng quan trọng đối với hệ thống và được quản lý lỏng hơn. Ngược lại, các NBFC được phép nhận tiền gửi và NBFC không nhận tiền gửi nhưng có tổng tài sản lớn hơn 5 tỷ rupi chịu sự giám sát chặt chẽ hơn[3].

2.1. Giám sát các NBFC không có ảnh hưởng quan trọng trong hệ thống và không nhận tiền gửi:

Các quy định giám sát an toàn

Các giới hạn an toàn vốn và giới hạn cấp tín dụng nhằm tránh tập trung tín dụng đối với các NBFC không có ảnh hưởng lớn trong hệ thống (ký hiệu là NBFCs – ND) đã được gỡ bỏ. Điều này đã tạo điều kiện cho các tổ chức này hoạt động linh hoạt hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo các NBFC – ND không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn bên ngoài, RBI cũng đặt ra mức yêu cầu tỉ lệ đòn bẩy tối đa là 7 (tổng các khoản nợ của tổ chức không vượt quá 7 lần nguồn vốn).

Về phân loại tài sản, đối với các NBFC-ND, một tài sản được coi là tài sản xấu (non-performing asset) khi nó bị quá hạn từ 6 tháng trở lên đối với các món vay, và từ 12 tháng trở lên đối với các khoản cho thuê. Về trích lập dự phòng, tất cả các NBFC đều được yêu cầu trích lập dự phòng chung là 0,25% trên tổng dư nợ.

Ngoài những quy định giám sát chung, một số quy định cũng được điều chỉnh tùy thuộc vào các NBFC-ND có nhận nguồn vốn tài trợ bên ngoài[4] hay không và/hoặc có tương tác với khách hàng hay không.[5] Theo đó: (i) Các tổ chức này không chịu giám sát về an toàn hay các nguyên tắc kinh doanh do RBI đề ra nếu không tiếp cận với nguồn vốn tài trợ từ bên ngoài và không có tương tác với khách hàng. (ii) Các NBFC có tương tác với khách hàng phải tuân thủ các nguyên tắc kinh doanh của RBI, kể cả khi các tổ chức này không tiếp cận với nguồn vốn tài trợ bên ngoài. (iii) Các NBFC có nhận nguồn vốn tài trợ từ bên ngoài phải tuân thủ các quy định an toàn nhưng không phải tuân thủ nguyên tắc kinh doanh do RBI đề ra nếu không có tương tác với khách hàng. (iv) Nếu NBFC vừa nhận nguồn vốn tài trợ từ bên ngoài vừa có tương tác với khách hàng thì phải tuân thủ các nguyên tắc an toàn cũng như các quy định về nguyên tắc kinh doanh từ RBI.

Như vậy, các NBFC không nhận tài trợ từ bên ngoài và không có tương tác với khách hàng được tự do tiến hành các hoạt động kinh doanh. Trong bối cảnh các công ty start-up đang nở rộ tại Ấn Độ, sự thay đổi trong quản lý này từ RBI đã khiến các NBFC trở nên vô cùng hấp dẫn, thu hút hoạt động đầu tư tư nhân vào vốn cổ phần của các công ty này.

  • Giám sát các NBFC có ảnh hưởng quan trọng trong hệ thống (NBFCs- ND-SI) và các NBFCs nhận tiền gửi (NBFCs-D)

Trong khi khung khổ quản lý, giám sát đối với các công ty tài chính phi ngân hàng không nhận tiền gửi đã được nới lỏng theo hướng tự do hóa, các quy định đối với các công ty tài chính phi ngân hàng không nhận tiền gửi đóng vai trò quan trọng trong hệ thống và các công ty tài chính phi ngân hàng được phép nhận tiền gửi đều được củng cố chặt chẽ hơn. Đối với các công ty này, các quy tắc an toàn và các quy tắc kinh doanh (conduct of business) đều được áp dụng, tuy nhiên không có quy định về tỷ lệ đòn bẩy.

Phân loại tài sản và trích lập dự phòng:

Phân loại tài sản của các NBFC đóng vai trò quan trọng trong hệ thống và NBFC được nhận tiền gửi giống với phân loại tài sản của các ngân hàng thương mại. Bảng phân loại như sau:

Loại tài    sản

 

 

Thời

gian áp

dụng

Nợ xấu Nợ dưới chuẩn: các khoản nợ được phân loại là nợ xấu trong một khoảng thời gian không vượt quá Nợ nghi ngờ: các khoản nợ được phân loại là nợ dưới chuẩn trong một khoảng thời gian vượt quá
Khoản cho vay trở thành nợ xấu nếu quá hạn Tài sản cho thuê và thuê mua được tính là nợ xấu nếu quá hạn
03/2016 5 tháng 9 tháng 16 tháng 16 tháng
03/2017 4 tháng 6 tháng 14 tháng 14 tháng
03/2018 3 tháng 3 tháng 12 tháng 12 tháng

Hiện tại, tất cả các NBFC đều được yêu cầu trích lập dự phòng đối với các tài sản tiêu chuẩn là 0,25% số dư nợ. Riêng trích lập dự phòng rủi ro đối với các tài sản đủ tiêu chuẩn của các NBFC có ảnh hưởng lớn đối với hệ thống và các NBFC được nhận tiền gửi đã được xem xét lại và nâng lên 0,4%, ngang bằng với mức trích lập dự phòng của các NHTM. Việc tuân thủ định mức được thực hiện dần qua ba mốc thời gian: 0,3% vào cuối tháng 3 năm 2016; 0,35% vào cuối tháng 3 năm 2017 và 0,4% vào cuối tháng 3 năm 2018.

Nâng mức yêu cầu đối với vốn cấp 1 nhằm đảm bảo an toàn vốn

Tỷ lệ vốn cấp 1 đối với các NBFC có ảnh hưởng quan trọng đối với hệ thống và các NBFC được nhận tiền gửi đã nâng lên 10%, được thực hiện qua hai giai đoạn: giai đoạn từ cuối tháng 3 năm 2016 là 8,5%, giai đoạn từ cuối tháng 3 năm 2017 là 10%.

Các quy định về tập trung tín dụng:

RBI đặt ra những chỉ tiêu giới hạn mức độ tập trung tín dụng của các NBFC. Tuy vậy, RBI cũng có những biện pháp tự do hóa đối với các hoạt động của một số NBFC. Trong Thông báo số 22, các giới hạn về tập trung tín dụng sẽ không được áp dụng đối với các NBFC đóng vai trò quan trọng trong hệ thống nhưng không nhận tiền gửi, không nhận nguồn vốn tài trợ bên ngoài ở Ấn Độ, dù trực tiếp hay gián tiếp, và các NBFC không phát hành bảo lãnh. Quy định mới này sẽ giúp mô hình hoạt động của NBFC hấp dẫn hơn đối với các tập đoàn tài chính lớn để họ có thể sử dụng các nguồn vốn của mình đầu tư vào những tài sản sinh lợi cao nhất.

Quy định về quản trị doanh nghiệp

Các NBFC có ảnh hưởng quan trọng đối với hệ thống và các NBFC được phép nhận tiền gửi phải thành lập các Ban sau: Ban kiểm toán, Hội đồng Bổ nhiệm, Ban Quản trị rủi ro. Ban kiểm toán được ủy thác nhiệm vụ thực hiện quy trình kiểm toán ít nhất một lần trong vòng hai năm. Tất cả các NBFC này bắt buộc phải thay đổi các đối tác kiểm toán ba năm một lần.

  1. Những thay đổi về khuôn khổ pháp lý khác áp dụng cho tất cả các NBFC trong những năm qua tại Ấn Độ

– Giám sát đối với một nhóm các NBFC

Các NBFC được xếp thành một nhóm dựa trên mối quan hệ giữa các tổ chức này như: mối quan hệ giữa chi nhánh – công ty mẹ; liên doanh; liên kết; các bên liên quan, chung thương hiệu, nắm giữ từ 20% cổ phần của công ty. Tổng tài sản của các NBFC trong cùng một nhóm quyết định phân loại nhóm và cách thức nhóm được giám sát. Nếu tổng tài sản của nhóm NBFC từ 50 tỷ rupi trở lên, từng NBFC trong nhóm sẽ phải tuân thủ các quy tắc giám sát, quản lý áp dụng cho nhóm các NBFC có ảnh hưởng lớn tới hệ thống.

– Vốn chủ sở hữu tối thiểu của tất cả các NBFC

Yêu cầu về vốn chủ sở hữu tối thiểu của các NBFC là 200 triệu rupi. Dựa trên quan điểm cho rằng vốn chủ sở hữu càng lớn thì NBFC càng có điều kiện đầu tư phát triển công nghệ tiên tiến và bảo đảm một khoản vốn cơ sở đủ để tiến hành các hoạt động kinh doanh đa dạng, RBI đã đưa ra yêu cầu vốn tối thiểu cho các NBFC. Tất cả các NBFC được yêu cầu phải đạt vốn chủ sở hữu tối thiểu là 100 triệu rupi vào cuối tháng 3 năm 2016, và đến cuối tháng 3 năm 2017, tất cả phải đạt từ 200 triệu rupi trở lên.

– Tự do hóa các chỉ tiêu kinh doanh chính cho các NBFC hoạt động trong lĩnh vực bao thanh toán:

Nhằm khuyến khích hoạt động bao thanh toán tại Ấn Độ, RBI đã nới lỏng các tiêu chí xếp loại một NBFC là NBFC hoạt động bao thanh toán từ tỷ lệ 75% xuống còn 50% đối với:

(a) Tài sản tài chính trong hoạt động bao thanh toán trên tổng tài sản

(b) Thu nhập từ hoạt động bao thanh toán trên tổng thu nhập

– Sửa đổi các Hướng dẫn của RBI trong việc kiểm soát NBFC

Để đảm bảo rằng tất cả các NBFC đều được quản lý một cách phù hợp và hiệu quả, tất cả các NBFC đều phải có sự chấp thuận trước của RBI khi có những thay đổi trong quản lý và quyền kiểm soát. Tuy nhiên, từ tháng 7 năm 2015, RBI đã ban hành một bộ hướng dẫn về các yêu cầu chấp thuận đối với những thay đổi trong quyền kiểm soát của các NBFC. Theo đó, các NBFC phải được RBI chấp thuận bằng văn bản trong các tình huống sau:

  • Bất kỳ việc tiếp quản hoặc mua lại quyền kiểm soát đối với một NBFC, có thể có hoặc không dẫn đến thay đổi trong quản lý
  • Bất kỳ thay đổi trong việc nắm giữ cổ phần của NBFC dẫn đến việc mua lại/chuyển nhượng cổ phần từ 26% trở lên của NBFC
  • Bất kỳ sự thay đổi trong quản lý của NBFC dẫn đến thay đổi trên 30% tổng số giám đốc, không bao gồm các giám đốc độc lập và các giám đốc được tái bầu cử sau khi nghỉ hưu.

Việc phải có chấp thuận trước của RBI là không bắt buộc trong trường hợp cổ phần nắm giữ vượt quá 26% do mua lại cổ phiếu hoặc giảm vốn trong khi đã được một tòa án có thẩm quyền chấp thuận.

– Giảm trọng số rủi ro cho các khoản cho vay Chính phủ

Tất cả các khoản cho vay của NBFC cho Chính phủ hoặc các khoản cho vay được bảo lãnh bởi chính quyền trung ương sẽ có hệ số rủi ro bằng 0. Tương tự, tất cả các khoản cho vay trực tiếp, thấu chi và đầu tư vào chứng khoán của chính quyền địa phương cũng có hệ số rủi ro bằng 0. Mặt khác, các khoản cho vay được chính quyền địa phương bảo lãnh mà không trong tình trạng không trả được nợ sẽ có hệ số rủi ro bằng 20%. Tuy nhiên, khi các khoản vay này đã ở trong trạng thái không hoàn trả trong khoảng thời gian trên 90 ngày, hệ số rủi ro của các khoản vay này là 100%.

  1. Bài học từ khung khổ giám sát các công ty tài chính phi ngân hàng tại Ấn Độ và gợi ý cho Việt Nam

Các NBFCs ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính của Ấn Độ. Các tổ chức này hiện đang nổi lên như một lựa chọn thay thế tốt hơn các ngân hàng truyền thống tại một số phân khúc để đáp ứng nhu cầu tài chính của các khu vực này. Tuy vậy, để có thể tồn tại và phát triển bền vững, NBFCs phải trở nên năng động và liên tục nỗ lực tìm kiếm các sản phẩm và dịch vụ mới trong một thị trường tài chính cạnh tranh cao. Do bản chất của khu vực này là năng động và sáng tạo, yêu cầu đặt ra với các cơ quan quản lý là phải thiết kế lại khung khổ quản lý, giám sát cho phù hợp. Ủy ban Nachiket Mor của Ấn Độ đã quan sát thấy có nhiều NBFC ngày càng có cấu trúc tổ chức và hoạt động phức tạp, gây ra hiệu ứng “đánh tráo chính sách”[6]. Ủy ban đã đề xuất chuyển đổi quản lý với khu vực này từ quản lý dựa trên loại hình tổ chức sang quản lý dựa trên bản chất của từng hoạt động. Việc điều chỉnh khung khổ quản lý lần này của RBI là bước đầu tiên trên con đường chuyển đổi này. Hiện nay, không chỉ có Ấn Độ mà có nhiều quốc gia khác là thành viên của Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB) cũng đang quản lý các công ty tài chính phi ngân hàng dựa theo bản chất của từng hoạt động của công ty chứ không chỉ quản lý theo chủ thể. Theo đó, rủi ro của từng hoạt động sẽ được nhận diện rõ hơn, chính xác hơn và việc quản lý của ngân hàng trung ương sẽ hợp lý hơn, giúp giảm thiểu rủi ro từ hoạt động này và đồng thời vẫn tạo điều kiện cho khu vực phi ngân hàng phát triển. Đây cũng là một gợi ý cho Việt Nam để có thể xem xét bổ sung, điều chỉnh khung khổ pháp lý đối với các công ty tài chính phi ngân hàng hiện nay dựa trên kinh nghiệm thực tiễn tại các quốc gia trên thế giới.

Phụ lục: Sơ đồ phân loại các NBFC theo cách thức quản lý của RBI

1 

Tài liệu tham khảo:

  1. Mohan, Ray (2016), “Indian Financial Sector: structure, trends, and turns”, September
  2. PwC (2016), “Non-banking Finance Companies: the changing landscape”, 10 November
  3. Reserve Bank of India (2014), “Revised regulatory framework for NBFC”, DNBR (PD) CC.No.002/03.10.001/2014-15, 10 November
  4. http://www.cpanel.stpaulsscience.org/gceict/specifications/aqa/unit3/devsolutions/support/customers.htm
  5. https://www.rbi.org.in/

[1] Các công ty tài chính phi ngân hàng của Ấn Độ bao gồm: công ty tài trợ mua tài sản, công ty cho vay, công ty đầu tư, công ty tài trợ cơ sở hạ tầng, công ty đầu tư lớn, quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức tài chính vi mô, công ty bao thanh toán, các công ty bảo lãnh thế chấp, công ty tài chính nhà ở, công ty nhận tiền gửi và đầu tư chứng khoán, công ty tài chính lợi ích chung, công ty quỹ Chit

[2] Tại Hội nghị thượng đỉnh ở Seoul tháng 11 năm 2010, các nhà lãnh đạo G-20 đã nhấn mạnh đảm bảo ổn định tài chính là một vấn đề tối quan trọng, đặc biệt là phải cùng thực hiện “tăng cường giám sát và quản lý đối với hệ thống ngân hàng ngầm”.

[3] Tính đến tháng 3 năm 2016, Ấn Độ đã có 11,682 NBFC đăng ký hoạt động với RBI, trong đó có 202 tổ chức là tổ chức nhận tiền gửi (chiếm 1,7%) và 11,480 tổ chức không nhận tiền gửi, trong số này lại có 220 tổ chức đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính (nghĩa là những tổ chức có quy mô tài sản từ 5 tỷ Rs trở lên)

[4] Nguồn vốn tài trợ bên ngoài (public funds): bao gồm những nguồn vốn thu được một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các khoản tiền gửi của công chúng, giấy tờ thương mại, trái phiếu, tiền gửi của các tổ chức và tài trợ từ ngân hàng, và không bao gồm các khoản tiền thu được nhờ phát hành các công cụ tiền tệ bắt buộc chuyển đổi thành cổ phiếu trong khoảng thời gian không quá 5 năm kể từ ngày phát hành.

[5] Tương tác với khách hàng (customer interface): là cách thức một công ty giao dịch với cách hàng. Công ty có nhiều kênh khác nhau để tương tác với khách hàng như: kênh giao dịch trực tiếp, kênh điện thoại, kênh bưu điện, fax, mạng Internet. Cách thức tương tác với khách hàng phụ thuộc vào cách công ty lựa chọn chiến lược cạnh tranh. Ví dụ: Amazon.com bán sách chỉ qua kênh Internet, trong khi Barnes&Noble bán sách qua hai kênh cửa hàng truyền thống và bán hàng trực tuyến.

[6] Thuật ngữ này được hiểu là một số tổ chức tài chính có thể chọn một cấu trúc tổ chức hoạt động phức tạp để làm cho lĩnh vực hoạt động của họ không rõ ràng nhằm trốn tránh sự giám sát hoặc hạn chế hiệu quả giám sát của các cơ quan chức năng hay những sản phẩm liên kết, hợp tác giữa các tổ chức nhằm thoát khỏi các giới hạn về an toàn dành riêng cho các tổ chức có ảnh hưởng quan trọng đến hệ thống tài chính (như các ngân hàng thương mại).

Ths. Nguyễn Hà Phương

Viện Chiến lược ngân hàng

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *