Sau gần 4 năm triển khai quyết liệt “Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” theo Quyết định 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công cuộc tái cơ cấu ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực. Rõ thấy nhất là hệ thống ngân hàng đã được thanh lọc, tinh gọn, người dân được hưởng lợi từ việc các ngân hàng thương mại (NHTM) không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ.
Dưới đây là phần lược ghi ý kiến của chuyên gia tài chính-ngân hàng – TS. Nguyễn Trí Hiếu về nội dung này.
Có thể nói, sau gần 4 năm triển khai Đề án 254 trong điều kiện nhiều yếu tố không thuận lợi (kinh tế vĩ mô kém ổn định, tăng trưởng kinh tế chậm, thị trường bất động sản trầm lắng, chậm phục hồi và không sử dụng ngân sách nhà nước cho tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD…), với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành Ngân hàng và hệ thống chính trị, kết quả tái cơ cấu, xử lý nợ xấu đã và đang đi đúng mục tiêu, định hướng và lộ trình.
Rõ thấy nhất là hệ thống ngân hàng đã được thanh lọc, tinh gọn, người dân được hưởng lợi từ việc các NHTM không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ. Các TCTD phát triển các hoạt động kinh doanh chính, đổi mới quản trị ngân hàng phù hợp hơn các thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Về phía NHNN đã kiểm soát được và từng bước xử lý các TCTD yếu kém. Sự ổn định, an toàn hệ thống các TCTD được giữ vững và cải thiện; lành mạnh một bước môi trường kinh doanh ngân hàng. Các giải pháp cơ cấu lại nợ và xử lý nợ xấu đã phát huy tác dụng (đặc biệt là VAMC) góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu so tổng dư nợ. Nhờ đó, dòng vốn của nền kinh tế từng bước được khơi thông trở lại, tín dụng ngân hàng được phân bổ hợp lý cho các mục đích sử dụng và phù hợp với định hướng đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội quốc gia bền vững.
Kết quả cơ cấu lại các TCTD có tác dụng không chỉ làm lành mạnh TCTD mà còn tạo động lực cho tái cấu trúc doanh nghiệp, thị trường và đầu tư.
Việc sáp nhập, hợp nhất diễn ra mạnh mẽ trên cơ sở tự nguyện giữa các NHTM bình thường với NHTM yếu kém, giữa NHTM bình thường với nhau và giữa các NHTM Nhà nước với NHTMCP đã thúc đẩy quá trình xử lý các NHTM yếu kém, đồng thời tăng quy mô và năng lực cạnh tranh của các NHTM.
Nằm trong tổng thể các giải pháp xử lý TCTD yếu kém, NHNN đã mua lại 03 ngân hàng TMCP với giá 0 đồng (NH Xây dựng, NH Đại Dương, NH Dầu khí toàn cầu) và chỉ định các NHTMNN tham gia tái cơ cấu 03 ngân hàng này. Biện pháp này được thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 01/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ, vừa đảm bảo tái cơ cấu NH yếu kém (không có khả năng tự tái cơ cấu) an toàn, hiệu quả, vừa không gây ảnh hưởng tới ổn định, an toàn hệ thống và không sử dụng tiền từ ngân sách nhà nước. Điều 149 Luật Các TCTD đã nêu rõ NHNN có quyền trực tiếp mua hoặc chỉ định TCTD khác mua lại ngân hàng yếu kém, những ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, nếu ngân hàng đó không thực thiện được việc tăng vốn, không thực hiện phương án tăng vốn theo quy định của NHNN.
Việc NHNN mua lại ngân hàng yếu kém không nhằm tạo thêm và duy trì lâu dài NHTM Nhà nước vì mục tiêu lợi nhuận mà là nhằm cơ cấu lại ngân hàng yếu kém và bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD. Sau khi những khó khăn, yếu kém được khắc phục một bước quan trọng và hoạt động của ngân hàng được NHNN mua lại về cơ bản ổn định và trở lại bình thường, giá trị doanh ghiệp và vốn chủ sở hữu của ngân hàng được mua lại gia tăng, NHNN sẽ tiến hành thoái vốn thông qua sáp nhập, hợp nhất với ngân hàng khác (trong đó ưu tiên sáp nhập vào NHTM Nhà nước để tăng quy mô và năng lực cạnh tranh của NHTM Nhà nước), cổ phần hóa hoặc bán cho nhà đầu tư tiềm năng…
Như vậy, mọi nỗ lực và giải pháp tái cơ cấu các TCTD được triển khai đến nay, đặc biệt là việc áp dụng các biện pháp can thiệp bắt buộc hay mua lại ngân hàng yếu kém được thực hiện đúng pháp luật và không nằm ngoài mục tiêu nhằm bảo vệ tốt nhất tiền, tài sản của Nhà nước và nhân dân, bảo đảm sự an toàn của hệ thống.
Theo SBV