Trả lời phỏng vấn về đóng góp của hoạt động ngân hàng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, cơ cấu tín dụng có bước chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Thưa ông, các con số về tăng trưởng GDP thời gian gần đây đều cho thấy sự cải thiện nhất định, nhưng liệu đã hết lo ngại?
Ông Trần Hoàng Ngân: Số liệu về kinh tế Việt Nam cho thấy có sự phục hồi và đúng là theo hướng đi lên, nhưng chưa có sự đột phá mạnh mẽ. Năm 2014 nền kinh tế – xã hội nước ta phát triển với những tín hiệu tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất. Tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,98%, cao hơn mức tăng 5,42% của năm 2013 và 5,25% của năm 2012. Sau 4 tháng 2015, kinh tế – xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực.
Tăng trưởng GDP quý I/2015 cũng có mức phục hồi rõ rệt, đạt 6,03%, mức tăng cao nhất so với cùng kỳ những năm gần đây. Số thu ngân sách đạt khá. Tỷ lệ lạm phát kiểm soát ở mức thấp. Khu vực dịch vụ tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đã loại trừ yếu tố giá tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, cho thấy các tín hiệu tích cực về tăng tổng cầu. Lãi suất tiếp tục giảm…
Tất cả cho thấy xu hướng tăng trưởng khá vững chắc, nhưng chưa phản ánh được vào thu nhập, đời sống vật chất tinh thần người dân. GDP tăng cao hơn nhưng tăng trưởng nông nghiệp lại thấp nhất trong nhiều năm qua, trong khi khu vực này lại thu hút khá lớn người lao động đang làm việc. Vì vậy, đây là điều rất đáng lo lắng.
Như ông nói, nông nghiệp đang tăng trưởng khó khăn, trong khi DN giải thể, phá sản nhiều, bất động sản cũng chưa hết khó… Vậy tăng trưởng đến từ khu vực nào?
Hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp khó khăn, số DN giải thể, ngừng hoạt động lớn, tỷ lệ DN hoạt động có lãi thấp. Riêng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng lên. Khu vực FDI đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, nhất là đóng góp tới 65 – 67% tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo ra khoảng 3 triệu việc làm… Tuy nhiên, tác động của FDI trong việc nâng cao trình độ công nghệ cho nền kinh tế Việt Nam chưa rõ nét. Có ý kiến quan ngại rằng, nếu nguồn vốn FDI rút khỏi thị trường sẽ tác động xấu đến sự phát triển bền vững nền kinh tế nước ta.
Như vậy, khu vực kinh tế nước ngoài đang ngày một lớn mạnh và việc xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ của nước ta đang bị ảnh hưởng. Thu nhập của đại đa số người lao động cũng bị ảnh hưởng theo.
Ngành Ngân hàng đang tích cực xử lý nợ xấu để đưa về mức 3% vào cuối năm nay. Ông nhìn nhận thế nào về quá trình xử lý nợ xấu vừa qua?
Vừa qua, có ý kiến tỏ ra lo lắng với con số nợ xấu, do một số NHTM như VNCB, OceanBank có kết quả kinh doanh không tốt, nợ xấu tăng… Nhưng, tôi tin rằng từ nay đến cuối năm, chắc chắn nợ xấu sẽ giảm dần và chúng ta sẽ hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% trong năm nay.
Về cơ chế mới cho VAMC trong việc xử lý nợ xấu và thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt (Nghị định số 34/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam – PV), hiện nay cơ chế này rất thuận lợi cho cả VAMC và các NHTM. Tôi nghĩ rằng, NHTM và VAMC đã có tiếng nói chung và tiến trình xử lý nợ xấu như vậy là rất tốt.
Một điểm nhấn khác trong lĩnh vực NH là vừa qua, NHNN đã rất quyết liệt trong việc xử lý các NH yếu kém thông qua việc mua lại với giá 0 đồng và giao cho TCTD có năng lực tốt hơn điều hành. Việc làm này kích thích các cổ đông khác mạnh mẽ hơn khi tham gia vào quản trị, điều hành và giám sát các NH, thể hiện quyền của các cổ đông. Tránh trường hợp để NH thua lỗ, cổ phiếu trở thành “tờ giấy trắng”.
Xin cảm ơn ông!
Theo Trần Hương
Thời báo ngân hàng