TS. Nguyễn Đức Hưởng giao lưu trực tuyến về xu hướng tỷ giá năm 2016

TS. Nguyễn Đức Hưởng

Từ ngày 04/01/2016 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD. Cơ sở, điều kiện, mục tiêu, tác động và ứng xử từ thay đổi đó như thế nào khi cơ chế mới đang đi vào thực tế thị trường?

Nhằm tạo diễn đàn đa chiều, thông tin và trao đổi xoay quanh cơ chế mới này, VnEconomy tổ chức buổi phỏng vấn trực tuyến với chủ đề “Đường đi của tỷ giá 2016”, diễn ra từ 14h – 16h30 ngày 18/01/2016, với sự tham gia của các diễn giả:

– Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

– Ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính.

– Ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank.

– Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).

– Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam.

Dưới đây là phần nội dung trao đổi với TS. Nguyễn Đức Hưởng tại cuộc giao lưu.

Hà Minh, Tp.HCM, Kinh doanh tự do

Xin chào các diễn giả. Tôi đọc báo thấy nói cơ chế mới này sẽ giúp giảm găm giữ và đầu cơ ngoại tệ, nhưng không rõ là giảm được như thế nào và vì sao lại giảm được. Xin các diễn giả trả lời giúp.

Ông Nguyễn Đức Hưởng

Theo tôi, cơ chế tỷ giá trung tâm chính là sự chỉ đạo chính sách tiền tệ thực hiện theo cơ chế thị trường với những mục tiêu, cốt lõi để thực hiện sau chữ: “ổn định”, “nâng cao”, “góp phần” và “hỗ trợ”. Trong đó, mục tiêu bao trùm là ổn định tỷ giá và nâng cao giá trị VND; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Việc thực hiện cơ chế tỷ giá trung tâm chắc chắn sẽ giảm găm giữ và đầu cơ ngoại tệ; ngăn chặn lợi ích nhóm, vì trước đây, việc công bố tỷ giá theo hướng “bí mật” và mệnh lệnh hành chính tạo điều kiện cho các nhà đầu cơ găm giữ với việc dự đoán hoặc khai thác những bí mật Nhà nước…

Nhưng khi thực hiện cơ chế mới, tỷ giá được công bố hàng ngày, không còn khoảng trống cho đầu cơ và công khai trên cơ sở tham chiếu thị trường tiền tệ quốc tế và cung-cầu trong nước, gần như bịt đường cho cơ hội đầu cơ, găm giữ ngoại tệ.

Việc thực hiện cơ chế mới thể hiện rõ sự tôn trọng hơn quy luật của thị trường, trên cơ sở cung-cầu ngoại tệ và các yếu tố tác động bên trong và bên ngoài khách quan đổi với tỷ giá, xóa bỏ mệnh lệnh hành chính và quyền lực tập trung vào Ngân hàng Nhà nước, không còn cơ hội cho lợi ích nhóm thao túng trục lợi (cũng như đối với vàng).

Kim Ngọc Minh, Hà Nội, nhà đầu tư

Hồi tháng 8/2015, Trung Quốc bất ngờ phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ. Khi đó nhiều ý kiến cho rằng đồng tiền này sẽ không tiếp tục bị phá giá nữa. Nhưng thực tế là từ đó đến nay nó vẫn giảm mạnh. Có phải diễn biến này nằm ngoài dự tính của chúng ta không?

Ông Nguyễn Đức Hưởng

Có thể diễn biến này nằm ngoài dự kiến của nhiều nhà đầu cơ, nhưng đối với Ngân hàng Nhà nước, theo tôi thấy thì họ đã định lượng trước.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã phát biểu trên thông tin đại chúng, việc điều chỉnh cơ chế tỷ giá của vừa qua đã bao hàm cả những giả thiết Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ…

Và thực tế diễn ra đúng như vậy. Cuối năm 2015 đầu 2016, Trung Quốc đã thực hiện nhiều lần phá giá nhưng tỷ giá USD/VND vẫn tương đối ổn định, không như những dự kiến của nhiều chuyên gia là Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phá giá VND vào cuối 2015 đầu 2016.

Nhiều nhà đầu cơ áp dụng “thói quen” cho là quy luật của những năm trước, chờ đợi phá giá, thì năm nay thất bại, tỷ giá vẫn ổn định.

Thái Ngô, Tp.HCM:

Chính sách tỷ giá có tiếp tục nhất quán trong thời gian tới nếu có sự thay đổi về bộ máy lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước không?

Ông Nguyễn Đức Hưởng

Đã nói là chính sách là có sự chỉ đạo xuyên suốt trên cơ sở tầm nhìn dài hạn, chính sách tiền tệ gắn chặt với các chính sách kinh tế vĩ mô, có sự chỉ đạo tập trung của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Vì vậy, tôi cho rằng, nếu có thay đổi về bộ máy lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, thì không thể tách rời với sự chỉ đạo, điều hành chung của nền kinh tế, hay là không thể theo ý chí chủ quan của một cá nhân nào đó.

Vì Ngân hàng Nhà nước là một tổ chức trực tiếp chịu sự điều hành của Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chịu sự giám sát của Quốc hội và nhân dân, chứ không phải là một doanh nghiệp đơn thuần để có thể áp dụng thay đổi kiểu tân lãnh đạo – tân chính sách một cách không bài bản khoa học.

Giả sử, Thống đốc Nguyễn Văn Bình có thay đổi vị trí công tác, thì với kết quả chinh phục ngoạn mục những ngọn núi thử thách đối với nền kinh tế thông qua việc điều hành chính sách tiền tệ (lạm phát, lãi suất, tỷ giá, vàng, tái cơ cấu, nợ xấu…), tạo được dấu ấn và niềm tin đối với xã hội, thì vị trí mới chắc chắn sẽ cao hơn và càng gắn chặt với đường lối điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có chính sách tỷ giá trên cơ sở thông suốt hơn sự chỉ đạo điều hành của Đảng, Chính phủ và Quốc hội…

Cho nên, sự nhất quán trong chỉ đạo điều hành sẽ theo hướng tốt lên, có lợi cho nền kinh tế, doanh nghiệp và niềm tin của nhân dân hơn nữa.

Chu Khôi, Hải Phòng, Giám đốc doanh nghiệp

Gần đây lãi suất VND có xu hướng tăng lên. Như thế thì lãi suất cho vay sẽ không giảm được nữa và lại tăng lên. Các diễn giả dự báo thế nào về xu hướng này?

Ông Nguyễn Đức Hưởng

Đúng là gần đây một số ngân hàng thương mại có điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn, chủ yếu tập trung vào trung và dài hạn để phục vụ nhu cầu cho vay trung dài hạn. Cũng có yếu tố mùa vụ trong nhu cầu thanh toán, chi trả thường tăng cao vào cuối năm. Nhưng theo tôi, đáng chú ý hơn, xu hướng này phản ánh nền kinh tế có dấu hiệu sôi động lên, các nhà đầu tư đã mạnh dạn hơn đầu tư vào sản xuất kinh doanh khi thị trường có dấu hiệu ấm lên, nhu cầu vốn tăng lên cho nên tác động đến lãi suất.

Thứ nữa, các ngân hàng kích thích huy động vốn trung dài hạn qua lãi suất, thì điều kiện để hỗ trợ vốn cho các nhu cầu trên càng bền vững hơn. Còn nếu cho vay trung dài hạn vẫn dựa nhiều vào vốn ngắn hạn sẽ tiềm ẩn rủi ro và có thể vi phạm pháp luật.

Còn về lãi suất cho vay, sau nỗ lực giảm và bình ổn những năm qua, nếu có nhích lên cũng dễ hiểu vì lạm phát năm nay có thể tăng so với năm trước. Nhưng khả năng lãi suất cho vay sẽ vẫn giữ được mặt bằng như hiện nay, vì chính sách tỷ giá kích thích người dân gửi VND nhiều hơn vào ngân hàng, vốn đầu vào thuận lợi hơn; giá dầu sụt giảm liên tục cũng là cơ sở để hy vọng lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức mục tiêu, mà không tác động lớn đến việc tăng lãi suất.

Nguyễn Tiến Minh, Hà Nội, Giám đốc doanh nghiệp

Xin hỏi các chuyên gia, vì sao vừa qua áp cơ chế tỷ giá mới, tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước tăng mà tỷ giá thị trường lại chủ yếu giảm. Vì sao lại lệch nhau như vậy?

Ông Nguyễn Đức Hưởng

Thực tế trong thời gian qua, khi áp dụng cơ chế tỷ giá mới, có nhiều lúc tỷ giá thực tế thị trường lại giảm so với tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước. Đây là một sự “lệch pha” trái ngược so với những năm trước đây. Tức là, trước đây tỷ giá trên thị trường tự do luôn luôn “trên trời”, làm cho tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước cứ phải chạy theo, có khi phải bán ngoại tệ để ổn định thị trường ảnh hưởng không nhỏ đến quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia.

Sự “lệch pha” này thật đáng mừng. Vì thể hiện rõ yếu tâm lý găm giữ, đầu cơ ngoại tệ đã bị đẩy lùi; các chính sách vừa qua cùng cơ chế mới đã khơi thông các dòng chảy ngoại tệ trên thị trường. Với thị trường, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là thanh khoản và Ngân hàng Nhà nước kích thích được yếu tố đó. Cung ngoại tệ được kích thích, cung tăng thì tỷ giá giảm là đương nhiên.

Đỗ Bình Nguyên, Hà Nội

Bây giờ lãi suất gửi USD đã 0% rồi. Người dân không gửi USD nữa mà để ở nhà, ngân hàng và doanh nghiệp không sử dụng được nguồn vốn đó qua huy động và cho vay. Như vạy có phải chúng ta lại để phí một nguồn lực nằm trong két sắt người dân như với vàng? Mà giữ USD trong két nó vẫn lên giá thì vốn lại càng chôn trong két mà không đi vào sản xuất kinh doanh. Các diễn giả nói gì về thực tế này, trong khi Chính phủ năm nay sẽ phải đi phát hành trái phiếu quốc tế 3 tỷ USD với lãi suất cao, mà lãi suất cao cũng do người dân phải trả. Vậy là sao?

Ông Nguyễn Đức Hưởng

Lãi suất tiền gửi USD bằng 0% lúc đầu đúng là gây nên những tâm lý nhất định, có thể có một số người cất giữ ngoại tệ ở nhà với tư tưởng chờ giá hoặc đầu cơ… Nhưng, tình trạng trên theo tôi là sẽ xẩy ra không lâu, vì chúng tôi quan sát thấy doanh số bán ngoại tệ cho ngân hàng tăng rất mạnh, vì người dân đã tin tưởng vào việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Về mặt kinh tế, lãi suất USD 0%, tôi nghĩ người găm giữ ngoại tệ cũng sẽ tính toán toán. Nếu là nhà đầu tư, họ không quan tâm lắm đến phương tiện nắm giữ, mà là lợi ích và rủi ro nắm giữ. Nắm VND có lợi hơn so với USD do lãi suất chênh lệch hấp dẫn hơn, và Ngân hàng Nhà nước, như tôi nói, mục tiêu ổn định tỷ giá vẫn là bao trùm.

Thực tế, sau khi áp chính sách lãi suất 0%, tỷ giá USD/VND được bình ổn thay vì căng thẳng trước đó, thậm chí nguồn cung tăng và tỷ giá giảm những ngày gần đây.

Theo đó, tôi thấy đây là một giải pháp thực hiện lộ trình chống đô la hóa của Chính phủ, làm tăng giá trị VND. Chính vì vậy số dư tiết kiệm VND tăng lên rõ rệt, một phần do người dân nhận thức được những bất lợi khi cất ngoại tệ trong két sắt giá đình, vừa không có lợi cho kinh tế vừa nguy hiểm về vấn đề an ninh tính mạng, nên người dân đã mạnh dạn chuyển đổi ngoại tệ sang VND và gửi tiết kiệm, góp phần tăng nguồn vốn để đầu tư cho nền kinh tế.

Hà Bình Xuyên, Nhà đầu tư, Hà Nội

Thưa ông, khi thị trường thế giới suy giảm, tài sản có thể sẽ dịch chuyển sang USD và đổ về thị trường phát triển. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán hiện nay của Việt Nam cũng sụt giảm, liệu có lo ngại Nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút vốn và chuyển sang USD để ra khỏi thị trường Việt Nam?

Ông Nguyễn Đức Hưởng

Việc di chuyển nguồn vốn từ nơi thừa đến nơi thiếu, từ nơi kém hấp dẫn đến nơi hấp dẫn hơn là lẽ thường tình. Nhưng trong điều kiện thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm, có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam, hoặc FED tăng lãi suất thì các nhà đầu tư nước ngoài có rút vốn cũng chỉ là tình huống tạm thời.

Vì Việt Nam là một quốc gia đang có cơ hội phát triển, mọi thứ mới chỉ là bắt đầu, sơ khai và tiềm năng, kèm theo kỳ vọng vào thành công của Đại hội Đảng lần thứ 12 đang đến gần, là sự hấp dẫn của môi trường đầu tư, sự ổn định vĩ mô mà nhiều thị trường khác không có, nên sẽ không có chuyện các nhà đầu tư rút vốn chuyển sang USD và rút khỏi thị trường Việt Nam. Nếu có, chỉ là luân chuyển nhỏ lẻ bình thường, vì thị trường chứng khoán Việt Nam tuy có suy giảm nhưng giá chứng khoán vẫn hấp dẫn so với thị trường quốc tế nói chung.

Việc ổn định chính trị cũng là một điều kiện tiên quyết, quan trọng mà các nhà đầu tư nước ngoài tính đến. Trong điều kiện thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục giảm, có thể các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đẩy mạnh bán ra, và có hai tình huống sẽ xẩy ra: tiền đầu tư tạm thời chuyển thành tiền tiết kiệm VND để nghe ngóng thị trường và rút tạm thời để chuẩn bị bắt đáy (mua vào khi thị trường xuống).

Điều lo ngại đáng chú ý là những nhà đầu tư không chuyên nghiệp, vốn ít cứ chạy theo, đón đầu thị trường chứng khoán theo tâm lý bầy đàn thì có thể xẩy ra mất vốn. Đây cũng là một cái bẫy của các nhóm đầu cơ chứng khoán, kể cả đối với các nhà đầu tư nước ngoài mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ của Việt Nam hay mắc phải.

Lê Huyền Nhi, Tp.HCM, Bạn đọc

Theo những phân tích và giới thiệu thì cơ chế tỷ giá trung tâm tốt như vậy mà sao thời gian qua Ngân hàng Nhà nước không áp dụng?

Ông Nguyễn Đức Hưởng

Qua nghiên cứu diễn biến điều hành thời gian qua, có sự đổi mới hàng năm, nên tôi nghĩ chắc là việc chỉ đạo điều hành chính sách tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm đã được Ngân hàng Nhà nước lượng tính từ lâu, nhưng phải có lộ trình.

Trước đây, yếu tố tâm lý còn đè nặng và niềm tin của thị trường, kể cả niềm tin vào sự điều hành chính sách tiền tệ chưa cao, nếu áp dụng đột ngột chẳng khác gì hội chẩn vội vàng và bốc thuốc gây sốc, có thể tác dụng ngược.

Những năm trước, điều cần thiết là tạo điều kiện cho các chủ thể làm quen dần với quy luật thị trường, tạo niềm tin vào chính sách tiền tệ và chính sách kinh tế, tích tụ và tập trung nguồn lực (gia tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia). Đó là điều kiện cần và đủ để tiến tới áp dụng cơ chế điều hành cơ chế tỷ giá trung tâm.

Về các điều kiện kinh tế, những năm trước chúng ta thấy lạm phát, lãi suất, thị trường vàng có những xáo trộn, tác động lớn tới tỷ giá. Khi đó, yêu cầu đặt ra là phải tạo được sự ổn định, là một chỗ dựa niềm tin cho thị trường. Đó là điều Ngân hàng Nhà nước đã làm được.

Đến nay, các điều kiện và bối cảnh, các cân đối vĩ mô đã có thay đổi, đặc biệt là chúng ta sắp sửa hội nhập lớn với TPP, ACE, nên chính sách tỷ giá cần linh hoạt. Cơ chế tỷ giá trung tâm bắt đầu áp dụng.

Lấy mục tiêu ổn định tỷ giá làm tiền đề để thực hiện phương pháp điều hành mới, mà diễn biến trong hai tuần đầu áp dụng đã nói lên điều đó. Ổn định tỷ giá vẫn là mục tiêu bao trùm của việc áp dụng điều hành tỷ giá trung tâm, nhưng “ổn định không có nghĩa là cố định”. Tức là tỷ giá sẽ xoay quanh, chịu sự điều tiết của quy luật thị trường, có sự quản lý hợp lý của Nhà nước, đảm bảo niềm tin và sự chủ động cho các doanh nghiệp và người dân thực hiện tốt lộ trình chống đô la hóa của Đảng, Chính phủ và Nhà nước, nâng cao giá trị của VND, tạo niềm tin bền vững.

Toàn văn cuộc giao lưu, xin xem tại đây: vneconomy.vn/tai-chinh/truc-tuyen-duong-di-cua-ty-gia-2016-20160118022922456.htm