Thị trường tài chính, tiền tệ thế giới: Chứng khoán và vàng tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn

Thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm

Thị trường chứng khoán toàn cầu trong hơn nửa đầu năm 2017 diễn biến tích cực. Theo thống kê của Bloomberg, có 26/30 chỉ số chứng khoán chủ chốt tại khắp các châu lục đều đã đạt được mức tăng điểm so với cuối năm ngoái. Hiện tại chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI ACWI đã tăng hơn 12% so với cuối năm 2016.

Đà tăng điểm của thị trường chứng khoán toàn cầu trong thời gian qua được hỗ trợ mạnh mẽ bởi sự khởi sắc của kinh tế trên toàn cầu với các chỉ số kinh tế vĩ mô hiện đạt ở ngưỡng lạc quan nhất kể từ sau năm 2009. Bên cạnh đó, môi trường lãi suất thấp vẫn tiếp tục hỗ trợ cho diễn biến trên thị trường chứng khoán. Chính vì vậy, xu hướng tăng điểm của các thị trường được duy trì đều đặn qua hầu hết các tháng và hầu như không có những đợt sóng mạnh gây chao đảo thị trường như cùng kỳ năm ngoái.

Diễn biến các thị trường chứng khoán chủ chốt 8T/2017 so với 8T/2016

1

Nguồn: Bloomberg

Trong 8 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán của Mỹ là thị trường có diễn biến tốt nhất khi các chỉ số chứng khoán chính đều đạt được mức tăng điểm kỷ lục trong vòng nhiều năm qua, trong đó Dow Jones tăng 9,5%, S&P 500 tăng 8,56% và Nasdaq tăng 16,53% so với cuối năm ngoái. Trong đó xu hướng tăng trưởng diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe, tiêu dùng, đặc biệt là nhóm cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn trên thị trường. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán khu vực Châu Âu mặc dù đã tăng điểm nhưng không trải đều và chứng kiến nhiều biến động hơn trong quý I trước sức ép rủi ro chính trị trong khu vực. Vì vậy, có những thời điểm thị trường thăng hoa khi đón nhận hiệu ứng tích cực từ các cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp, Ý và những tín hiệu hồi phục đến từ các nền kinh tế đầu tàu trong khu vực. Tuy nhiên, cũng có những thời điểm, đặc biệt như vào tháng 6 vừa qua, thị trường giảm điểm khá mạnh khi phát sinh các lo ngại về cuộc khủng hoảng di cư, tác động bất lợi của Brexit hay tình trạng yếu kém của hệ thống ngân hàng trong khu vực. Kết thúc 8 tháng, chỉ số EuroStoxx toàn khu vực vẫn đạt được mức tăng 1,01%, các thị trường chủ chốt đều đạt được mức tăng điểm tốt so với cuối năm ngoái như CAC 40 của Pháp tăng 4,06%; DAX của Đức tăng 2,81%,… Chỉ số FTSE 100 của Anh cũng vẫn duy trì được mức tăng điểm 1,16% so với cuối năm 2016, tuy nhiên mức tăng này đã thấp hơn đáng kể so với mức tăng gần 10% của 8 tháng năm ngoái. Và cuối cùng, trong xu hướng diễn biến tích cực, chỉ số MSCI khu vực Châu Á Thái Bình Dương đạt mức tăng mạnh 18,7% so với cuối năm trước. Tuy nhiên, tốc độ tăng đã có sự khác nhau giữa các thị trường chủ chốt trong khu vực. Cụ thể, chứng khoán Nhật Bản khởi đầu chậm chạp trong những tháng đầu năm nhưng tăng tốc mạnh mẽ hơn trong quý II nhờ được hỗ trợ bởi những chuyển biến tốt từ tình hình kinh tế vĩ mô trong nước. Chứng khoán Trung Quốc duy trì đà tăng điểm khá ổn định và chỉ suy giảm trong tháng 4 và 5 khi Trung Quốc thực hiện thắt chặt kiểm soát đòn bẩy tài chính. Đáng chú ý là thị trường chứng khoán Hồng Kông với mức tăng gần 25% và Hàn Quốc với mức tăng trên 17% thuộc nhóm tăng trưởng tốt nhất khu vực.

Bước sang tháng 8, thị trường chứng khoán toàn cầu đã bắt đầu có dấu hiệu giảm mạnh trước tình hình căng thẳng chính trị leo thang tại khu vực Đông Bắc Á và Bắc Mỹ, mà cụ thể là chương trình thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trong vòng 4 ngày từ 26 – 29/8, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị trong khu vực. Diễn biến này đã khiến thị trường chứng khoán không chỉ tại các quốc gia chịu ảnh hưởng như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc có sự sụt giảm mà còn tác động lan tỏa tới thị trường chứng khoán toàn cầu. Chỉ số MSCI ACWI toàn cầu đã giảm gần 1% trong tháng vừa qua với hầu hết các thị trường chủ chốt đều ghi nhận mức giảm điểm[1]. Đây có thể coi là diễn biến ảm đạm nhất của chứng khoán toàn cầu từ đầu năm đến nay.

Giá vàng tiếp tục tăng bất chấp nhu cầu đã chậm lại

Trong 8 tháng giao dịch của năm 2017, tuy không có được chuỗi tăng giá mạnh như nửa đầu năm 2016 nhưng vàng vẫn tăng giá hơn 13%. Diễn biến tăng của giá vàng diễn ra gần như liên tục, tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm, giảm hơn 2% vào tháng 6 nhưng đã tăng trở lại vào tháng 7, 8. Giá vàng tiếp tục nhạy cảm mạnh với tình hình kinh tế, chính trị của các nền kinh tế đầu tàu cũng như tại các nước là tâm điểm có thể làm bùng phát các căng thẳng chính trị trong khu vực cũng như trên thế giới. Tuy nhiên những phản ứng thể hiện qua chuỗi tăng giá mạnh như năm 2016 đã không xuất hiện quá lâu trước những tín hiệu kinh tế vĩ mô khởi sắc cũng như những diễn biến bình ổn hơn so với dự kiến của các vấn đề địa chính trị trên toàn cầu. Trong gần 8 tháng giao dịch của năm, vàng cũng đã vượt ngưỡng 1.300$/ounce, mức giá cao nhất đạt 1.331,9$/ounce vào tháng 8.

Diễn biến giá vàng kỳ hạn trong năm 2017

2

Nguồn: investing.com

Hiện tại, đà tăng của giá vàng vẫn đang được hỗ trợ mạnh mẽ bởi lực cầu trước những bất ổn chưa chấm dứt của tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới, nhưng theo báo cáo của Hội đồng vàng thế giới (WGC) thì nhu cầu vàng trong 6 tháng đầu năm đã thấp hơn tương đối so với cùng thời điểm của năm 2016. Xu hướng này đã diễn ra từ quý I và vẫn tiếp tục trong quý II, nhu cầu vàng trong quý II/2017 đạt 953,4 tấn, thấp hơn cùng kỳ so với năm 2016 khoảng 10%. Trong khi đó, nhu cầu vàng trong nửa đầu năm đạt 2003,8 tấn, giảm 14% so với cùng kỳ của năm ngoái. Xu hướng giảm của nhu cầu vàng trên thế giới bị ảnh hưởng mạnh bởi nhu cầu nắm giữ vàng qua các quỹ ETF đã giảm mạnh kể từ sau quý I/2016. Dòng chảy đầu tư vàng qua ETF đã gia tăng thêm 56 tấn trong Quý II, giảm 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, sức mua ròng của NHTW cũng đã giảm khoảng 3%, đạt 176,6 tấn. Ngược lại, nhu cầu đầu tư vàng miếng, vàng xu, vàng trang sức đã phục hồi, trong đó nổi bật là nhu cầu từ Thổ Nhĩ kỳ và Ấn Độ.

Diễn biến nhu cầu vàng trong Quý II/2017

3

 

Nguồn: gold.org

Như vậy có thể nhận thấy rằng, mặc dù đã xuất hiện những tín hiệu không thuận lợi trong diễn biến giá và diễn biến cung cầu thị trường nhưng nhiều ý kiến cho rằng đây sẽ tiếp tục là những kênh đầu tư sinh lời khá an toàn cho đến hết năm 2017. Tuy nhiên lợi thế ở đây không còn quá thiên về thị trường chứng khoán khi giá cổ phiếu trên nhiều thị trường đã có xu hướng tăng kéo dài, thậm chí đã vượt xa giá trị thực của cổ phiếu. Kỳ vọng tăng mạnh nhiều khả năng sẽ chỉ tiếp tục diễn ra tại thị trường chứng khoán của các nền kinh tế mới nổi nhưng sự biến động có thể dễ dàng xuất hiện tại các thị trường chủ chốt của khu vực phương tây và nước Mỹ khi NHTW quyết định dịch chuyển chính sách. Hơn nữa, xu hướng giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu vào tháng 8 vừa qua trước tác động của căng thẳng chính trị leo thang tại khu vực Đông Bắc Á và Bắc Mỹ cũng hỗ trợ cho nhận định này. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng đây chính là thời điểm mà các nhà đầu tư phải đánh giá lại chiến lược kinh doanh của mình trên thị trường chứng khoán theo hướng rà soát, cân bằng lại danh mục đầu tư để tránh tập trung vào các tài sản đã có giá tăng mạnh và kéo dài cũng như các khu vực đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Đồng thời cần dịch chuyển chiến lược đầu tư sang các thị trường chứng khoán phát triển tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Trong khi đó, cho đến thời điểm hiện nay thì nhiều dự báo cho rằng các nhà đầu tư vàng sẽ tiếp tục an toàn trong năm 2017, giá của vàng sẽ tiếp tục bứt phá, có thể đạt thêm nhiều những giá mới sau khi đã vượt 1.300$/ounce trong tháng 8, thậm chí cũng có thể tăng rất mạnh nếu những bất ổn về kinh tế, chính trị vẫn chưa khép lại. Xu hướng tăng của giá vàng có phần vững chắc hơn bởi các yếu tố hỗ trợ đang hiện hữu, cụ thể gồm có:

+ Tình trạng bất ổn của chính trị sẽ tiếp tục tạo cơ hội cho nhu cầu tài sản đầu tư an toàn gia tăng, trong đó sắp tới phải kể đến những bất ổn trong quan hệ Nga –Mỹ – Trung đã đóng băng; căng thẳng Đông Bắc Á và Châu Mỹ. Theo đó, nước Mỹ có thể sẽ bước vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và nước Nga có thể sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng tới Ukraine. Và nổi bật hơn cả là những vấn đề của Bắc triều Tiên trong kế hoạch thử hạt nhân có tầm ảnh hưởng xuyên châu lục,….. và những cuộc tấn công mạng nhiều khả năng sẽ tiếp diễn ngày càng mạnh mẽ hơn;

+ Bất ổn kinh tế chưa chấm dứt: Trong những tín hiệu phục hồi của các nền kinh tế đầu tàu trong nửa đầu năm 2017, dấu hiệu chững lại đang có chiều hướng ngày càng rõ nét hơn đối với nước Mỹ, những khó khăn lại bắt đầu xuất hiện trở lại trong khu vực sản xuất của Châu Âu, Trung Quốc,….. thực tế đó sẽ cản trở quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ trên thế giới, tiếp tục làm gia tăng nợ trên toàn cầu, thâm hụt ngân sách,…. Là mầm mống dẫn đến sự đi xuống của kinh tế và thậm chí mạnh hơn sẽ là khủng hoảng;

+ Sự suy yếu của đồng USD: Từ đầu năm đến nay, diễn biến của chỉ số USD index trên thị trường có xu hướng giảm là chủ đạo và theo giới phân tích thì xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong những tháng tới. Nếu căn cứ vào mối quan hệ truyền thống giữa vàng và USD index thì những dự báo về sự suy yếu của đồng bạc xanh sẽ là nhân tố góp phần làm tăng giá của vàng cho đến hết năm. Bên cạnh đó, việc nhiều NHTW lớn tiếp tục duy trì trạng thái nới lỏng của chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho nền kinh tế cũng sẽ là lực đẩy cho giá vàng.

Diễn biến chỉ số USD index kỳ hạn

4

Nguồn: investing.com

Ngoài ra, phân tích về mặt kỹ thuật, xu hướng của giá vàng hiện tại khá vững chắc, kết hợp với những tín hiệu về nhu cầu mua vàng, khả năng cao vẫn tồn tại mặt bằng lãi suất thấp và động thái bán mạnh trên thị trường chứng khoán,… sẽ tiếp tục là những yếu tố thuận lợi về mặt kỹ thuật khi dự báo giá vàng cho đến cuối năm 2017.

[1] Chỉ số S&P 500 tại Mỹ giảm 0,55%, Euro Stoxx giảm 1,2%, FTSE Anh giảm 0,09%, DAX của Đức giảm 0,96%, CAC 40 của Pháp giảm 0,72%, Nikkei 225 của Nhật giảm 2,26%, Kopsi Hàn Quốc giảm 1,25%.

Ths. Trần Ngọc Lan

Ths. Nguyễn Minh Ngọc

Viện Chiến lược ngân hàng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *