Tọa đàm “Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt”

Ngày 09/10/2015, tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Hiệp hội Ngân hàng phối hợp với Hội Thẻ ngân hàng tổ chức Tọa đàm “Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.”

Tham dự buổi Tọa đàm có bà Trần Thị Hồng Hạnh – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng; ông Đào Minh Tuấn – Chủ tịch Hội Thẻ ngân hàng; ông Bùi Quang Tiên – Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước; các đại biểu đến từ Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Công thương, C50 Bộ Công an; đại diện 52 tổ chức hội viên và một số chuyên gia trong lĩnh vực thanh toán; v.v.

Mục tiêu của buổi Tọa đàm là đánh giá tình hình triển khai Nghị định 101/2012/NĐ-CP, tác động của Nghị định đối với quá trình phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam; xác định những hạn chế của Nghị định này trước những thay đổi nhanh chóng của công nghệ thông tin và dịch vụ ngân hàng hiện đại, nhất là sự xuất hiện của một số phương tiện thanh toán mới như tiền điện tử, tiền ảo, nhưng chưa có quy định pháp lý để điều chỉnh. Mục tiêu của việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2012/NĐ-CP là: (i) bổ sung, làm rõ các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; (ii) bổ sung các quy định về phương tiện thanh toán mới như khái niệm ví điện tử, tài khoản đảm bảo thanh toán cho việc cung ứng ví điện tử đối với các đơn vị cung ứng ví điện tử; (iii) quy định đầy đủ hơn về đối tượng được phép phát hành ví điện tử và điều kiện phát hành; (iv) bổ sung một điều về việc phát hành, cung ứng và sử dụng những phương tiện thanh toán khác không được pháp luật Việt Nam thừa nhận và bảo vệ.

Phát biểu chỉ đạo góp ý vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, ông Bùi Quang Tiên cho rằng, Nghị định 101/2012/NĐ-CP là văn bản pháp lý cơ bản để phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là những phương thức dịch vụ thanh toán ứng dụng công nghệ mới và có hàm lượng công nghệ cao như internet banking, mobile banking. Qua hai năm triển khai thực hiện Nghị định 101/2012/NĐ-CP, hoạt động thanh toán trong nền kinh tế đã có nhiều chuyển biến tích cực, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và các đơn vị cung cấp hàng hóa cũng như các ngân hàng thương mại. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên thế giới và tại Việt Nam có nhiều thay đổi, xuất hiện một số thuật ngữ như tiền ảo, tiền điện tử phát hành qua mạng internet, cần phải có những quy định pháp lý điều chỉnh.

image

Ông Bùi Quang Tiên – Vụ Trưởng Vụ Thanh toán phát biểu

Đồng tình với nội dung Dự thảo (góp ý lần 2), đa số các ý kiến đều nhấn mạnh vai trò của thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, đặc biệt trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và viễn thông. Cùng với các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt truyền thống như séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, đã xuất hiện thêm phương tiện thanh toán mới đó là ví điện tử. Vì thế, Dự thảo cần làm rõ khái niệm phương tiện thanh toán, khái niệm các phương tiện thanh toán không dùng tiện mặt để phân biệt với dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, để làm rõ “ví điện tử” với tư cách là một phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, cần bổ sung và làm rõ hơn về khái niệm “ví điện tử”, quy định về cung ứng “ví điện tử” của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Một số ý kiến cũng nhấn mạnh quan điểm không coi thẻ mua hàng là phương tiện thanh toán do nó chỉ có giá trị trong phạm vi nhất định, không phải vật ngang giá chung trong hoạt động trao đổi hàng hóa và dịch vụ; đồng thời không do các ngân hàng phát hành. Vì thế, Nghị định này không xem xét điều chỉnh quy định về thẻ mua hàng.

image

Quang cảnh buổi Tọa đàm

Tại buổi Tọa đàm, đại diện Vụ Thanh toán đã dành thời gian thuyết trình một số vấn đề liên quan đến Hợp đồng mẫu, trên tinh thần triển khai Quyết định 35/2015/QĐ-TTg ngày 20/8/2015 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13/01/2012 về việc ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm cũng thống nhất ý kiến chỉ đạo làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyên, quảng bá, hướng dẫn thanh toán qua POS, mPOS cho người sử dụng thẻ và đơn vị chấp nhận thẻ; Công ty Chuyển mạch quốc gia (Banknetvn) phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật dịch vụ chuyển mạch POS; khắc phục, xử lý nhanh các sự cố về đường truyền, chuyển mạch, hạn chế ách tắc, giảm thiểu các giao dịch chuyển mạch không thành công; phối hợp xử lý tốt việc tra soát các giao dịch thanh toán POS.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, buổi Tọa đàm đã thu được kết quả ngoài dự kiến, đóng góp nhiều vấn đề liên quan đến phát triển an toàn, bền vững của thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và dịch vụ thẻ ngân hàng nói riêng. Thông qua buổi Tọa đàm, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung lần này đã giải quyết được những khó khăn của Nghị định 101/2012/NĐ-CP, tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý các hoạt động thanh toán trong thực tế.

Theo www.sbv.gov.vn (HTT)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *