Tóm tắt
Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs) đã được Liên Hợp quốc xây dựng với 193 quốc gia cam kết tham gia trong đó có Việt Nam. Với quyết tâm thực hiện SDGs, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động (KHHĐ) thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017. Để đạt được những mục tiêu này đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực của cả đất nước, các bộ ban ngành, thành phần kinh tế mà trong đó, ngành Ngân hàng đóng vai trò không nhỏ.
Từ khóa: phát triển bền vững, kế hoạch hành động, chương trình nghị sự 2030, ngân hàng, tài chính toàn diện, tín dụng xanh
- Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và cam kết của Việt Nam
Phát triển bền vững đã trở thành một yêu cầu cấp bách và cần thiết trong hoạt động kinh tế toàn cầu, đó cũng là một thách thức đang nổi lên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Tại Hội nghị thượng đỉnh về Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc ngày 25 tháng 9 năm 2015, 193 nhà lãnh đạo thế giới đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững, bao gồm 17 Mục tiêu Phát triển bền vững SDGs với 169 chỉ tiêu nhằm chấm dứt đói nghèo, chống bất bình đẳng và bất công, và chống biến đổi khí hậu cho tới năm 2030.
SDGs đề ra các mục tiêu áp dụng cho tất cả các quốc gia chứ không chỉ với các quốc gia đang phát triển. SDGs có tầm quan trọng lớn vì nó quyết định trực tiếp tương lai phát triển trong hơn 15 năm tới của thế giới; theo đó nội dung này sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch của các Chính phủ và các ưu tiên ngân sách tài trợ trong giai đoạn tới. Điều này mở ra những cơ hội mới trong việc tạo lập chính sách ở cấp độ quốc gia và địa phương.
SDGs được coi là một bước phát triển cao hơn của MDGs – Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ[1]. Theo đó, SDGs quan tâm nhiều hơn tới tiếng nói của những người bị ảnh hưởng nhất của nghèo đói và những vấn đề khác cản trở quá trình phát triển bền vững. Phạm vi và tầm ảnh hưởng của SDGs được mở rộng, mang tính toàn diện hơn, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư, các đối tác phát triển trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Cụ thể:
- SDGs yêu cầu hành động của tất cả các quốc gia từ những quốc gia nghèo nhất đến những quốc gia giàu nhất và các quốc gia có thu nhập trung bình.
- SDGs mang tính toàn diện và bao gồm các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, bao gồm giảm đói nghèo, bình đẳng, nhân quyền và quản trị.
- SDGs lồng ghép các chính sách nhằm mục đích giải quyết rào cản chính là quản trị hệ thống.
- SDGs phát triển cơ chế hợp tác toàn diện giữa các bên liên quan như Chính phủ và Tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cộng đồng; và tạo nên mối liên kết giữa các quốc gia thành viên.
- SDGs kế thừa để hoàn thành các phần chưa hoàn thành của MDGs.
- Hệ thống chỉ số giám sát hiệu quả và trách nhiệm giải trình được quy định và cụ thể hóa tại SDGs để hỗ trợ việc đánh giá kết quả thực hiện của các quốc gia.
Từ những năm trước, Việt Nam đã triển khai thực hiện các Chương trình nghị sự 21 vì sự phát triển bền vững và thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) với nhiều nội dung liên quan đến Chương trình nghị sự 2030. Sự thành công của Việt Nam trong việc triển khai các chương trình này gắn liền với sự tham gia thực hiện của toàn xã hội.
Việt Nam đã cụ thể hóa việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 thông qua việc phê duyệt Kế hoạch hành động (KHHĐ) thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017. Kế hoạch hành động quốc gia được xây dựng dựa trên một quá trình rà soát các chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển hiện hành chủ yếu của Việt Nam có so sánh với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) toàn cầu và 169 mục tiêu cụ thể. Theo đó, KHHĐ bao gồm 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể. Các nhiệm vụ cụ thể được phân kỳ thực hiện theo 2 giai đoạn 2017-2020 và 2021-2030. So với MDGs, những mục tiêu đặt ra cao hơn, liên quan đến những lĩnh vực mới hoặc những lĩnh vực mà kết quả đạt được của Việt Nam trong thời gian qua còn nhiều hạn chế như Biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững…
Kế hoạch hành động nhấn mạnh vai trò của tất cả các bên liên quan, từ các bộ ban ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức quốc tế trong việc trực tiếp tham gia, đóng góp tiếng nói, hành động vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030.
- Vai trò của ngành Ngân hàng đối với mục tiêu phát triển bền vững
Ngân hàng được coi là huyết mạch của nền kinh tế, hoạt động của nó bao trùm lên tất cả các hoạt động kinh tế xã hội, đây là hoạt động trung gian gắn liền với sự vận động của toàn bộ nền kinh tế. Mặc dù không trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho nền kinh tế, song với đặc điểm hoạt động riêng có của mình ngành Ngân hàng giữ một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế; tác động đến môi trường thông qua các hoạt động nội bộ và tác động bên ngoài thông qua cung cấp các sản phẩm, dịch vụ của mình vì những lý do sau:
(i) Ngân hàng tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển bền vững thông qua các chính sách tín dụng của mình như cung cấp vốn và khuyến khích các dự án thân thiện với môi trường, tạo ra ảnh hưởng thông qua các hoạt động dịch vụ như tư vấn đầu tư. Các ngân hàng có thể cung cấp các công cụ và kiến thức để khuyến khích sự phát triển bền vững.
(ii) Hệ thống ngân hàng được điều tiết và minh bạch có thể cung cấp tài chính cho nền kinh tế, từ đó thực hiện được SDGs. Các ngân hàng có thể cung cấp các khoản cho vay “xanh” hoặc “bền vững” không chỉ với các dự án hạ tầng lớn mà còn trong các lĩnh vực của nền kinh tế như các dự án phục vụ mục tiêu tiết kiệm năng lượng. Các ngân hàng tại Việt Nam ngày càng quan tâm và tìm hiểu sâu hơn về việc tăng cường tác động tích cực đến xã hội mà môi trường bằng cách cung cấp các giải pháp tài chính cho việc “xanh hóa” các hoạt động và quy trình trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Việc thông qua các tiêu chuẩn bền vững của ngành (ví dụ nguyên tắc giúp các ngân hàng quản lý vấn đề môi trường và xã hội) có thể giúp các ngân hàng đánh giá và quản lý tốt hơn nguy cơ môi trường và xã hội của các dự án và giúp các ngân hàng tránh các dự án tác động không tốt tới môi trường.
(iii) Ngoài ra, ngành Ngân hàng còn đóng góp cho phát triển bền vững thông qua việc thúc đẩy tài chính toàn diện. Tài chính toàn diện là việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân và tổ chức, đặc biết là đối với người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thức đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, ngành Ngân hàng có vai trò nhất định trong quá trình thực hiện các mục tiêu tăng trưởng bền vững SDGs. Điều này thể hiện qua nhiệm vụ của ngành ngân hàng được phân công tại Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững:
(i) Tăng cường năng lực các thể chế tài chính trong nước nhằm khuyến khích và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng và bảo hiểm cho mọi người (Mục tiêu 8.10 toàn cầu)[2].
(ii) Tăng khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đối với các dịch vụ ngân hàng, bao gồm cả dịch vụ tín dụng trong khả năng chi trả; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào thị trường và chuỗi giá trị (Mục tiêu 9.3.a toàn cầu)[3].
(iii) Đảm bảo tăng cường sự đại diện và tiếng nói của Việt Nam trong quá trình ra quyết định tại các tổ chức quốc tế có uy tín để đảm bảo quyền lợi cho các quốc gia đang phát triển và tạo điều kiện thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia, cụ thể: Chủ động và tích cực tham gia các hoạt động tăng cường tiếng nói và vị thế của Việt Nam tại các định chế kinh tế, tài chính – tiền tệ khu vực và quốc tế như IMF, WB, ADB, AIIB, IOSCO, các diễn đàn khu vực, quốc tế về tiền tệ, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm trong khuôn khổ ASEAN, ASEAN +3, APEC (Mục tiêu 10.5.c toàn cầu).[4]
- Những đề xuất để phát huy vai trò cua ngành Ngân hàng trong phát triển bền vững
- Về thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần nghiên cứu xây dựng hướng dẫn về rủi ro môi trường xã hội và các biện pháp tăng cường đóng góp của ngành ngân hàng cho các hoạt động bền vững môi trường. Trên thực tế, NHNN đã phối hợp với Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) xây dựng sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho 10 ngành kinh tế trong hoạt động cấp tín dụng nhằm từng bước đưa công tác quản lý rủi ro Môi trường và Xã hội (MT&XH) vào hoạt động xem xét, phê duyệt cấp tín dụng của các TCTD. Dự thảo cuốn sổ tay đánh giá môi trường và xã hội có thể được coi như Bộ công cụ đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong mười ngành cụ thể: Nông nghiệp, hóa chất, xây dựng và cơ sở hạ tầng, Năng lượng, Chế biến thực phẩm, Dệt may, Dầu khí, Xử lý chất thải, Khai thác Mỏ và các sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại. Cuốn hướng dẫn này nhằm phục vụ quá trình quản lý rủi ro MT&XH của các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam, giúp cán bộ tín dụng và cán bộ chuyên ngành thực hiện thẩm định dự án/phương án sản xuất kinh doanh liên quan một cách hiệu quả đảm bảo mục tiêu phát triển xanh và bền vững.
- Về thúc đẩy tiếp cận tín dụng cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ
DNNVV chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu việc làm. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng có vai trò quan trọng đối với sự hoạt động của các DNNVV. Thời gian qua, NHNN đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành trong việc xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý hỗ trợ DNNVV, triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các tổ chức tín dụng cũng chủ động tiếp cận nhóm DNNVV, đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm ưu tiên, hỗ trợ cho các khách hàng DNNVV, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn tín dụng vốn của các DNNVV vẫn gặp phải khá nhiều khó khăn vướng mắc cần được tháo gỡ trong tương lai.
- Triển khai tài chính toàn diện
Tài chính toàn diện có vai trò quan trọng trong việc giúp xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội và tăng trưởng bền vững. Tài chính toàn diện có ý nghĩa cụ thể, thiết thực đối với nhiều lĩnh vực trọng tâm ưu tiên hiện nay của Việt Nam như tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải thiện đời sống cho người nghèo nông thôn, tăng cường vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế…
NHNN đã triển khai nhiều hoạt động liên quan đến tài chính toàn diện như tín dụng vi mô, tín dụng nông nghiệp công nghệ cao, tín dụng chính sách. Trong quá trình NHNN cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện thì việc tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế rất quan trọng. Hiện tại, NHNN đang tích cực tham gia các chương trình, diễn đàn hợp tác về tài chính toàn diện của Quỹ Đầu tư phát triển Liên Hợp Quốc (UNCDF); tiến hành thủ tục tha gia Liên minh Tài chính toàn diện (AFI); đưa chủ đề tài chính toàn diện vào nội dung dự thảo luận trong khuôn khổ ASEAN và APEC (với tư cách là nước chủ nhà APEC 2017); triển khai các chương trình, dự án về tài chính toàn diện của WB, ADB; tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và kiến thức về tài chính toàn diện…Đồng thời tích cực hoàn thiện lộ trình xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện.
- Xây dựng bộ chỉ số phát triển bền vững ngành Ngân hàng
Hiện nay, có khá nhiều bộ chỉ tiêu được sử dụng để đánh giá mức độ phát triển bền vững của các quốc gia, phổ biến nhất là bộ chỉ tiêu do Liên hiệp quốc soạn thảo, ngoài ra còn có bộ chỉ tiêu “Phát triển bền vững Dow Jones” (Dow Jones Sustainability Indexes), bộ chỉ tiêu của tổ chức Global Reporting Initiative (GRI). Hầu hết các bộ chỉ tiêu đều được thiết lập nhằm đánh giá thành tích của từng quốc gia trên ba khía cạnh của phát triển bền vững: kinh tế, môi trường và xã hội của các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, các bộ chỉ tiêu này lại chưa đề cập đến việc đánh giá sự phát triển bền vững trên khía cạnh kinh tế nói chung và khu vực tài chính ngân hàng nói riêng.
Théo đó, hệ thống các tiêu chí đánh giá sự phát triển ổn định và bền vững của ngân hàng Việt Nam phải đồng thời thỏa mãn yêu cầu về phát triển bền vững của Liên hiệp quốc song song với việc đáp ứng các khía cạnh bền vững khác của ngân hàng. Bộ chỉ tiêu cần bám sát mục đích đánh giá, đo lường mức độ của ngành Ngân hàng thực hiện ba nhiệm vụ tại Kế hoạch hành động quốc gia.
- Kết luận
Các nền kinh tế trên thế giới đã đặt ra kế hoạch phát triển trong mười lăm năm tới. Những bước đi đầu tiên đã được thực hiện và từ những gì nhìn thấy trong Mục tiêu Phát triển bền vững, khá nhiều tham vọng được đặt ra. Xóa đói giảm nghèo tại mọi nơi và xây dựng môi trường bền vững trong phát triển là những mục tiêu cao cả nhất. Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đi cùng với sự đồng thuận về tài chính phát triển. Ngoài tầm quan trọng của các của các khoản viện trợ nước ngoài, khả năng huy động nguồn lực trong nước và luồng vốn tư nhân quốc tế có vai trò quan trọng đối với việc hoàn thành mục tiêu đưa ra. Với SDGs, việc tăng cường hỗ trợ vật chất truyền thống đã không còn quan trọng như trước đây. SDGs yêu cầu tăng cường mạnh đầu tư và với mục tiêu này, nguồn tài chính chính sẽ đến từ khu vực tư nhân.
Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, mong muốn khẳng định vị trí của mình trên thế giới và đã gặt hái được nhiều thành công. Do đó, đạt được các mục tiêu SGDs thể hiện sự quyết tâm và tham vọng của chính phủ Việt Nam.
Ngành ngân hàng với vai trò là một cấu phần quan trọng của nền kinh tế sẽ góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng quốc gia. Một hệ thống ngân hàng phát triển bền vững, hiệu quả sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, giảm thiểu những bất lợi đến xã hội và môi trường. Như vậy, có thể khẳng định việc phát triển bền vững ngành ngân hàng cũng là một trong những nhân tố quyết định cho sự ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng và phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Tăng trưởng phụ thuộc vào sự phát triển của ngành tài chính và phát triển bền vững phụ thuộc vào tăng trưởng. Sự phát triển của khu vực tài chính ngân hàng là chất xúc tác để đạt được các SDGs.
ThS. Nguyễn Khánh Duyên
Viện Chiến lược ngân hàng
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Germany Development Institute (2015), Financing Global Development: The Role of Central Banks
- Suborna Barua, Hasib Ahamed (2016), Role of financial sector to support SDGs in Bangladesh
- Tô Kim Ngọc và Bùi Khắc Hoài Phương (2017), Các sản phẩm ngân hàng bền vững nhằm cung cấp giải pháp tài chính xanh cho nền kinh tế, Tạp chí ngân hàng, Số 15/2017.
- http://www.un.org/sustainabledevelopment/sustainable-development-goals/
[1] MDGs (Millennium Development Goals) là Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ gồm 8 mục tiêu được 189 quốc gia thành viên Liên hợp quốc nhất trí phấn đấu đạt được vào năm 2015.
[2] Mục tiêu 8 – Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục, tạo việc làm đầy đủ, hiệu quả, bền vững cho tất cả mọi người.
[3] Mục tiêu 9 – Công nghiệp, sáng tạo và hạ tầng: Xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, thúc đẩy công nghiệp hóa toàn diện, bền vững và khuyến khích đổi mới
[4] Mục tiêu 10 – Giảm bất bình đẳng: Giảm bất bình đẳng mỗi quốc gia và giữa các quốc gia