Việt Nam trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015

Ngày 24/10/2015, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (MTTQ) và Ngân hàng Thế giới (WB) đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015”.

Hội thảo do Đ/c Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đ/c Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN và Bà Victoria Kwakwa – Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, Đông Á và Thái Bình Dương đồng chủ trì; với sự tham dự của trên 180 đại biểu từ các Ban của Đảng, Quốc hội, các Bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương, các hiệp hội, các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế.

Hiện nay, trên thế giới đang hình thành nhiều xu hướng dịch chuyển khác nhau của các trung tâm chế biến, chế tạo. Trong đó, một xu thế chủ đạo là sự chuyển dịch các trung tâm chế biến, chế tạo từ các nền kinh tế phát triển sang các nước đang phát triển.

Trong bối cảnh đó, việc nhận diện được xu thế, đánh giá đúng khả năng và nguồn lực, đề xuất các giải pháp toàn diện và đồng bộ cho phát triển Việt Nam trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới trong thời gian tới là rất cần thiết.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Việt Nam đã có những thành tựu quan trọng sau 30 năm đổi mới. Theo thống kê, 63% xuất khẩu của Việt Nam là hàng công nghiệp và chế biến, chế tạo; 56% vốn đầu tư vào Việt Nam cũng tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ riêng trong năm 2015, có trên 80% vốn đầu tư nước ngoài về lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong thời gian tới cũng có nhiều thách thức, trong đó có vấn đề nâng cao năng lực canh tranh, tăng năng suất lao động. Do đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đặt kỳ vọng các đại biểu tham dự Hội thảo hãy giúp làm thật rõ các cơ sở kinh tế và các lý do khác của khả năng Việt Nam có thể trở thành trung tâm chế biến, chế tạo; các điều kiện, lợi thế và thách thức cũng như những việc cần làm để chủ động đón nhận xu hướng này.

C:\Documents and Settings\Admin\Desktop\TĐ.JPG

Thống đốc Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Hội thảo

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, trong cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng một vai trò quan trọng, tiếp tục là động lực trụ cột cho tăng trưởng kinh tế. Công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam đang có nhiều lợi thế để có thể trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới. Công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được sự quan tâm từ doanh nghiệp, đặc biệt khối FDI. Lượng vốn FDI chảy vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tổng vốn đăng ký của cả nước đã tăng đều trong thời gian vừa qua (năm 2011 chiếm 50%, 2012 chiếm 70%, 2013 chiếm 76,6%, đến 2014 là 72%). Hiện nay, có 80/101 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án FDI tại Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp này.

“Như vậy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế nổi bật để có thể trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này lại không đồng đều, sự bứt phá tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp có yếu tố xuất khẩu, đầu tàu là khối FDI, trong khi các doanh nghiệp nội địa vẫn còn nhiều khó khăn trong bối cảnh sức cầu trong nước phục hồi yếu hơn mong đợi”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.

C:\Documents and Settings\Admin\Desktop\WB.JPG

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Bà Victoria Kwakwa – Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam đánh giá, sản xuất chế tạo đang tạo đà và là động lực cho tăng trưởng Việt Nam. Đơn cử, khu vực sản xuất và chế tạo đang đóng góp GDP nhiều nhất cho Việt Nam, khu vực này cũng đóng góp xuất siêu, tạo việc làm và hình thành nên những khu công nghiệp tập trung, khu công nghệ cao cho Việt Nam, ngành chế tạo đang trở thành điểm nhấn thu hút của Việt Nam gần đây.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến, tham luận cũng đã làm rõ những thuận lợi, thời cơ và thách thức đối với việc trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015 của Việt Nam, đồng thời, cũng nêu ra nhiều đề xuất, giải pháp toàn diện và đồng bộ.

C:\Documents and Settings\Admin\Desktop\TCanh.JPG

Toàn cảnh Hội thảo

Hiện nay, trong cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng một vai trò quan trọng, tiếp tục là động lực trụ cột cho tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian gần đây, cùng với những thay đổi về tình hình phát triển của các nền kinh tế hậu khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 và sự thay đổi về vị trí và chiến lược của các quốc gia trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã cho rằng, Việt Nam có khả năng là điểm đến của các tập đoàn đa quốc gia trong làn sóng dịch chuyển của các trung tâm chế biến, chế tạo và có thể trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới trong vòng 20 năm tới. Vì vậy, việc nhận diện đúng xu thế, đánh giá đúng khả năng và nguồn lực, đề xuất các giải pháp toàn diện và đồng bộ để Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Theo www.sbv.gov.vn (LG – Ảnh HM)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *