Xu hướng ứng dụng một số công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0 trong hệ thống ngân hàng

Chúng ta đang đứng trước thềm của một cuộc cách mạng công nghệ – một cuộc cách mạng sẽ làm thay đổi về cơ bản cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau. Cuộc cách mạng này sẽ không giống như bất kỳ một cuộc cách mạng nào trước đó cả về quy mô, phạm vi và sự phức tạp của nó. Nếu như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hoá sản xuất thì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai sử dụng năng lượng điện để tạo nên nền sản xuất quy mô lớn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba sử dụng các thiết bị điện tử, công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. “Và bây giờ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang được hình thành trên nền tảng của cuộc cách mạng thứ ba – khi cuộc cách mạng công nghệ số đã được diễn ra từ giữa thế kỷ trước. Nó được đặc trưng bởi sự hợp nhất các công nghệ và làm mờ đi ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học” (Klaus Schwab, 2016).

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (tiếng Đức là Industrie 4.0) đang là xu hướng hiện nay của sự trao đổi về dữ liệu và tự động hóa trong công nghệ sản xuất chế tạo. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư  (CMCN 4.0) sẽ tạo ra các “nhà máy thông minh” với cấu trúc đa dạng và linh hoạt, tại đó các hệ thống thực-ảo/điều khiển-vật lý (cyber–physical systems) sẽ giám sát các quá trình, tạo ra một bản sao ảo của thế giới vật lý. Thông qua Internet của vạn vật (IoT- Internet of Things)[1], các hệ thống thực-ảo/điều khiển-vật lý tương tác với nhau và với con người theo thời gian thực; sau đó, các thành viên tham gia trong chuỗi giá trị (value chain) sẽ sử dụng các dịch vụ của họ thông qua Internet của các dịch vụ (IOS – Internet of Services). Với đặc tính  là sử dụng công nghệ tự động hóa để áp dụng các phương pháp tự tối ưu hóa, tự cấu hình, tự chẩn đoán, nhận thức và hỗ trợ thông minh cho người lao động trong công việc ngày càng phức tạp của họ, CMCN 4.0 đã tạo ra “những biến động lớn thứ tư trong sản xuất chế tạo hiện đại, sau cuộc cách mạng điện những năm 1970, cuộc cách mạng gia công của những năm 1990, và sự tự động hóa đã diễn ra trong những năm 2000” (theo McKinsey).

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố tháng 9/2015, 21 sản phẩm công nghệ sẽ định hình trong tương lai dựa trên công nghệ kỹ thuật số và thế giới siêu kết nối [2], bao gồm: quần áo kết nối với Internet; những sản phẩm cảm biến kết nối với Internet; lưu trữ dữ liệu không giới hạn và miễn phí trên người (có kèm quảng cáo); dược sĩ robot; mắt kính kết nối với Internet; số đông dân số hiện diện trên Internet; ôtô được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ in 3D; điều tra dân số bằng các nguồn dữ liệu lớn; điện thoại di động cấy ghép vào người; sản phẩm tiêu dùng được sản xuất bằng công nghệ in 3D; điện thoại thông minh; xe không người lái; cấy ghép gan bằng công nghệ in 3D; kiểm toán được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo; thu thuế của chính phủ qua blockchain (khối chuỗi); 50% các thiết bị dân dụng ở nhà có thể truy cập Internet; những chuyến đi du lịch hay công tác được thực hiện qua các phương tiện chia sẻ; thành phố (khoảng 50 000 người) không có đèn giao thông; tổng sản phẩm nội địa toàn cầu được lưu trữ trên blockchain; máy trí tuệ nhân tạo. Đây là những sản phẩm được kì vọng sẽ xuất hiện trong 10 năm tới bắt nguồn từ những thay đổi sâu sắc của CMCN 4.0.

Ngoài ra, các công nghệ cao/công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0 là những công nghệ có khả năng tạo ra đột phá, thay đổi cách mọi người sống và làm việc, xác định lại các giá trị, dẫn đến các sản phẩm và dịch vụ hoàn toàn mới. Nghiên cứu này chỉ đề cập đến một số công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0 bao gồm blockchain, robot tự động, và dữ liệu lớn. Những công nghệ đặc trưng này đã, đang và sẽ là xu hướng ứng dụng của hệ thống ngân hàng toàn cầu, gây tác động mạnh đến hoạt động tài chính – ngân hàng – tiền tệ tại các quốc gia trên thế giới.

Blockchain

Blockchain đang là xu hướng ứng dụng được nhiều ngân hàng trên thế giới nghiên cứu triển khai khi công nghệ Blockchain đang tạo ra những giao dịch nhanh hơn, rẻ hơn, an toàn hơn và minh bạch. Được phát minh và thiết kế bởi Satoshi Nakamoto vào năm 2008 để hiện thực hóa như là một phần cốt lõi của Bitcoin, công nghệ blockchain đóng vai trò như là một cuốn sổ cái cho tất cả các giao dịch. Việc phát minh ra blockchain cho Bitcoin đã làm cho nó trở thành loại tiền tệ kỹ thuật số đầu tiên giải quyết được vấn đề double spending (chi tiêu gian lận khi 1 lượng tiền được dùng 2 lần). Công nghệ này của Bitcoin đã trở thành nguồn cảm hứng cho một loạt các ứng dụng khác của blockchain ra đời, khiến công nghệ blockchain được đánh giá là bước tiến mới trong Ngành Tài chính – Ngân hàng.

Ngân hàng trung ương (NHTW) một số nước (Anh, Nhật Bản, Châu Âu…) và các tổ chức tài chính đang làm cho công nghệ blockchain được lan truyền một cách mạnh mẽ. Tháng 12/2016, NHTW Nhật Bản (Bank of Japan) đã công bố một dự án nghiên cứu chung về blockchain với NHTW Châu Âu (ECB) và được dự kiến sẽ phát hành vào cuối năm 2017. Hiệp hội hợp tác Blockchain của nước này hiện có 120 thành viên tham gia. Trong năm 2016, Cơ quan kiểm soát tài chính (FCA) tại Anh cũng đã xem xét việc phê duyệt một số sản phẩm blockchain và tìm cách làm thế nào để áp dụng blockchain với các dịch vụ tài chính để đem lại lợi ích cho người tiêu dùng hoặc làm cho các doanh nghiệp tuân thủ dễ dàng hơn. Sự quan tâm đến blockchain tại Anh đã phát triển vào năm 2016 khi một số ngân hàng lớn nhất thế giới công bố các dự án thí điểm blockchain. Royal Bank of Scotland, Barclays và Santander nằm trong số những ngân hàng đang tạo ra các ứng dụng dựa trên blockchain trong các lĩnh vực như thanh toán quốc tế. Các nhà phân tích của IDC cũng hy vọng rằng làn sóng blockchain chuyển từ giai đoạn thử nghiệm sang sản xuất sẽ tập trung vào tài chính thương mại và một số dự án thí điểm sẽ được thực hiện trong năm 2017.

Cùng với sự phát triển của blockchain trong hệ thống ngân hàng và các dịch vụ tài chính, các quy định về khung pháp lý của chính phủ và NHTW đóng một vai trò khá quan trọng để định hướng, quản lý, giám sát blockchain. Tuy nhiên, do đang trong giai đoạn thí điểm của việc sử dụng blockchain nên những quy định về các hoạt động blockchain trong các dịch vụ tài chính vẫn chưa tồn tại tính đến thời điểm hiện tại. Ngoài ra, việc quy định về các hoạt động liên quan đến blockchain phụ thuộc vào lĩnh vực hoạt động nên chưa có những quy định chung cho blockchain, ngoại trừ những yêu cầu đối với các nhà quản lý điều tiết phải tạo ra một “sân chơi bình đẳng” để cạnh tranh với những đơn vị khởi nghiệp blockchain mới và tạo ra các quy định về kỹ thuật bảo mật để thí điểm cho các hoạt động công nghệ tiềm năng mà không va chạm với các quy định hiện hành. Tuy nhiên, hiện nay cũng có một số quy định áp dụng các dịch vụ dựa trên blockchain. Ví dụ, bất kỳ hợp đồng thông minh nào có liên quan đến blockchain sẽ phải tuân thủ ít nhất các quy định về hợp đồng pháp lý như trong luật giao dịch và thương mại. Hay việc lưu trữ dữ liệu khách hàng trên máy tính tại các quốc gia khác nhau cũng sẽ yêu cầu các ngân hàng phải tuân thủ luật bảo mật dữ liệu theo từng quốc gia (Javier Sebastián Cermeño , 2016). Ngoài ra, tùy thuộc vào loại hình dịch vụ tài chính đang được ứng dụng trên blockchain (thanh toán, cho vay, đầu tư, v.v…), mà những quy định về các loại dịch vụ này sẽ phải được áp dụng. Ví dụ: những quy định để ngăn chặn gian lận tài chính, hành vi trộm cắp danh tính và tài trợ cho khủng bố, phòng chống rửa tiền (KYC và AML), quy định về thị trường vốn, quy định cho vay, v.v … Dù sao đi nữa, sự hợp tác chặt chẽ với các nhà quản lý và giám sát ngay từ ban đầu là điều cần thiết để thích nghi và xây dựng các quy định thống nhất về blockchain.

Robot tự động

Trong những năm gần đây, để duy trì sự cạnh tranh trong một thị trường tài chính – ngân hàng ngày càng bão hòa – đặc biệt là với việc áp dụng rộng rãi ngân hàng ảo – các ngân hàng và các tổ chức tài chính phải tìm cách mang lại những tiện ích tốt nhất cho khách hàng của họ. Từ đó, thách thức để tối đa hóa hiệu quả và giữ chi phí càng thấp càng tốt trong khi vẫn duy trì được mức độ bảo mật tối đa cũng tăng lên. Để đáp ứng những yêu cầu này, công nghệ robot tiên tiến đã trở thành một công cụ mạnh mẽ và hiệu quả.

Một số ngân hàng tại Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan… đã sử dụng robot để giao dịch với khách hàng từ năm 2016. Ngoài ra, trong lĩnh vực tài chính và kế toán, robot có thể được sử dụng để tư vấn, tính toán tài sản cố định, ghi sổ, thực hiện đối chiếu tài khoản sổ cái, thực hiện các giao dịch giữa các công ty và duy trì dữ liệu kế toán. Các công ty cũng có thể sử dụng robot để kiểm tra báo cáo chi phí, quản lý hóa đơn đầu vào, xử lý thanh toán của nhà cung cấp…Ví dụ, trước làn sóng tác động của CMCN 4.0, hình thức tự động hóa quy trình bằng robot software (robotic process automation – RPA) được phát minh và sử dụng để tự động hóa các quy trình, giúp cho việc quản lý, tìm kiếm thông tin, dữ liệu, xử lý các giao dịch và giao tiếp với các hệ thống số khác được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả và thống nhất. Cụ thể, nhân viên ngân hàng sẽ biết được thông tin ở đâu và có thể truy cập thông tin đó chỉ bằng một nút bấm nhờ vào phần mềm robot đang chạy ẩn. Việc sử dụng RPA có thể tạo ra một môi trường minh bạch hơn khi dữ liệu cho từng giao dịch được ghi lại, phân loại và lưu trữ một cách dễ dàng và nhanh chóng để tìm kiếm và xem lại bất cứ lúc nào theo yêu cầu. Hiện nay, ngân hàng ANZ đang sử dụng RPA để xử lý các chức năng về biên chế, tài khoản, chuyển tiền và nhân sự; ngân hàng ICICI sử dụng RPA để thực hiện hơn một triệu giao dịch ngân hàng trong các hoạt động xử lý các dữ liệu mỗi ngày. Những phần mềm robot này được triển khai trong hơn 200 quy trình nghiệp vụ của ngân hàng như ngân hàng bán lẻ, giao dịch ngoại hối, nguồn vốn và nhân sự. Các quy trình này bao gồm yêu cầu thay đổi địa chỉ, truy vấn ATM và xác minh sự tuân thủ của khách hàng. Tương tự như vậy, ngân hàng Barclays thực hiện RPA trên một loạt các quy trình như phát hiện gian lận, giám sát rủi ro, xử lý khoản phải thu và áp dụng khoản vay.

Tuy nhiên, giống như các ngành khác, các ngân hàng khi sử dụng robot cũng phải duy trì liên tục mức độ tuân thủ pháp luật cao và các quy định của chính phủ. Ngược lại, những quy định và luật cũng phải tạo lòng tin cho công nghệ robot phát triển và bảo đảm về thương hiệu, các chức năng hoạt động, quyền sở hữu trí tuệ và có một sân chơi công bằng. Khung pháp lý cuả NHTW phải đủ mạnh để giải quyết một số thách thức mà những sản phẩm và dịch vụ tài chính của công nghệ robot mang lại (Chris Holder, Vikram Khurana, Faye Harrison, Louisa Jacobs, 2016).

Dữ liệu lớn (Big data)

Trong lĩnh vực ngân hàng, Big data đang được quan tâm và ứng dụng nhiều hơn cả đối với các cơ quan quản lý như ngân hàng trung ương cũng như đối với các định chế tài chính. Các nguồn dữ liệu lớn mới có thể hỗ trợ cho các dịch vụ như các nguồn dữ liệu từ các sàn giao dịch, các giao dịch thanh toán bằng thẻ tín dụng, dữ liệu ngân hàng di động, các hồ sơ liên quan đến các hệ thống thanh toán tiền mặt, thanh quyết toán chứng khoán, thanh toán bù trừ và phái sinh cũng như các giao dịch thương mại và bán lẻ.

Đối với ngân hàng trung ương, yêu cầu sử dụng công cụ dữ liệu Big data ngày càng tăng trong điều hành khi nguồn thông tin tăng lên. Theo BIS (2016), Big data có thể hỗ trợ cho các NHTW trong việc nắm bắt những chuyển động theo thời gian thực của nền kinh tế cũng như đưa ra những chỉ số cảnh báo sớm để giúp ích cho việc xác định các bước ngoặt trong chu kỳ kinh tế. Điều này có thể rất hữu ích để nhận ra các dấu hiệu báo trước cho các cuộc khủng hoảng tài chính. Tháng 8-9/2016, Nhà xuất bản ngân hàng trung ương (Central banking publications) đã hợp tác với Bearing Point thực hiện khảo sát về Big data tại 42 ngân hàng trung ương trên thế giới. Những kết quả chính của khảo sát này bao gồm:

– Các NHTW đều quan tâm tích cực đến việc phát triển Big data.

– Phần lớn các ngân hàng trung ương đã phát triển các nền tảng dữ liệu riêng để xử lý việc thu thập dữ liệu thanh tra.

– Big data được các ngân hàng trung ương đánh giá là có ích cho nghiên cứu, tuy nhiên chỉ một phần thấy được sự tham gia trực tiếp của nó trong quá trình hoạch định chính sách.

– Sự thiếu vắng các hỗ trợ từ các nhà hoạch định chính sách được xem như trở ngại chính để tăng việc sử dụng Big data.

– Chính sách tiền tệ được cho rằng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ Big data do Big data được kỳ vọng sẽ có ảnh hưởng đáng kể lên chính sách an toàn vĩ mô.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam và ứng dụng công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0

Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang có những bước tiếp cận nhanh chóng với CMCN 4.0 khi nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong hoạt động của các ngân hàng tại Việt Nam đang tăng cao để tự phát triển và cạnh tranh với các ngân hàng tiên tiến trong khu vực và thế giới. Theo kết quả khảo sát của Viện Chiến lược ngân hàng được thực hiện vào tháng 5/2017 vừa qua tại 18 Hội sở chính các NHTM, 1 ngân hàng chính sách xã hội, 4 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 2 tổ chức tài chính vi mô (đại diện cho 65% tổng tài sản của ngành ngân hàng), 92% ngân hàng trả lời đang có những chuẩn bị về đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển kênh bán hàng qua công nghệ số để đón nhận và thích ứng với những bước tiến đang đến của CMCN 4.0 và 76% chuẩn bị về thu hút lao động trong lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ cao & công nghệ thông tin. Đặc biệt, 96% các ngân hàng hiện nay đang xây dựng chiến lược phát triển công nghệ cao/công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0 đến năm 2025, trong đó có 03 ngân hàng (NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng, NHTMCP Tiên Phong, NH HSBC) có chiến lược phát triển về robot tự động và tiên tiến. Như vậy, với việc đón nhận những tiến bộ khoa học công nghệ, những thông tin, tri thức, các dịch vụ tiên tiến… từ cuộc CMCN 4.0,  các ngân hàng Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế, học hỏi trình độ quản trị điều hành và kinh doanh tiên tiến, phát huy tiềm năng to lớn về lĩnh vực tài chính ngân hàng và có những thay đổi kịp thời với xu thế công nghệ mới. Tuy nhiên, nhìn vào xuất phát điểm của Việt Nam khi lực lượng lao động dồi dào nhưng thiếu lao động chất lượng cao, trước tốc độ thay đổi nhanh chóng và tác động sâu rộng của CMCN 4.0, các ngân hàng Việt Nam cũng sẽ không tránh khỏi những khó khăn nếu như muốn ứng dụng một số công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0 như blockchain, robot tự động hay big data. Do vậy, các ngân hàng Việt Nam cần phải lưu ý một số điểm sau:

– Chủ động nắm bắt và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để các ngân hàng Việt Nam có thể tận dụng được những cơ hội tốt và hạn chế những khó khăn thách thức sẽ gặp phải khi hòa nhập cùng CMCN 4.0.

– Phát triển những giải pháp công nghệ thông tin mới, đẩy mạnh ứng dụng Big data trong phân tích và quản lý dữ liệu: Lượng dữ liệu đầu vào tăng nhanh theo cấp số nhân đòi hỏi các ngân hàng cần phải nghiên cứu và ứng dụng các kỹ thuật mới, hiện đại như Big data để thu thập, lưu trữ, xử lý, phân tích và chiết suất số liệu từ nhiều nguồn khác nhau một cách nhanh chóng, chính xác và bảo mật, hỗ trợ cho việc đưa ra quyết định kinh doanh và tạo lợi thế cạnh tranh. Trong thời gian tới, các ngân hàng cần quan tâm đến đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu, dành một khoản đầu tư riêng cho việc nâng cấp hệ thống dữ liệu và tăng cường việc ứng dụng các giải pháp công nghệ của Big data trong phân tích và quản lý dữ liệu.

– Nghiên cứu khả năng ứng dụng các công nghệ mới từ CMCN4.0 (robot tự động, blockchain) để phát triển các dịch vụ tài chính: Hiện nay, các quốc gia đi đầu về tiếp cận CMCN 4.0 coi việc ứng dụng công nghệ blockchain và robot tự động như một xu hướng ứng dụng đầy hứa hẹn cho việc tối ưu hóa lợi nhuận thông qua phát triển các loại hình dịch vụ tài chính với khách hàng (giao tiếp, tư vấn, thanh toán, cho vay…) hay sử dụng hiệu quả các thao tác nghiệp vụ của ngân hàng (tính toán, ghi sổ, đối chiếu tài khoản, thực hiện giao dịch, kiểm tra báo cáo, quản lý hóa đơn, xử lý thanh toán, tìm kiếm thông tin, dữ liệu, giám sát rủi ro…). Tuy nhiên, các ngân hàng tại Việt Nam nên xem xét khả năng và nguồn lực cũng như mục đích và định hướng phát triển của mình để triển khai những ứng dụng công nghệ mới này.

Chú trọng quản lý an ninh mạng: CMCN 4.0 đã đẩy cao mức độ chia sẻ thông tin từ đó tạo ra một nhu cầu rất lớn về an ninh mạng. Theo đó, các ngân hàng cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng trung tâm Dự phòng dữ liệu (Disaster Recovery); nâng cấp hệ thống an ninh, bảo mật ở mức cao, đảm bảo việc mở rộng phạm vi hoạt động (nếu có) được ổn định, an toàn, mang lại hiệu quả lâu dài, đáp ứng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng cần nghiên cứu và định hướng quản lý các ngân hàng Việt Nam trong xu hướng ứng dụng một số công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0. Đồng thời, NHNN cần tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống thanh toán quốc gia; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan chức năng, tăng cường các quy định và biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, phát hiện đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán thẻ, ATM, POS và các phương thức thanh toán sử dụng công nghệ cao.

Tài liệu tham khảo

  1. Klaus Schwab (2016), The Fourth Industrial Revolution, World Economic Forum
  2. Mike Gault (2015), Forget Bitcoin – What Is the Blockchain and Why Should You Care?, retrieved on August 5th 2016, from <https://www.linkedin.com/pulse/forget-bitcoin-what-blockchain-why-should-you-care-source-ben-aissa>
  3. Javier Sebastián Cermeño (December 2016), Blockchain in financial services: regulatory landscape and future challenges for its commercial application, working paper n.16/20, BBVA.
  4. Chris Holder, Vikram Khurana, Faye Harrison, Louisa Jacobs (2016), Robotics and law: Key legal and regulatory implications of the robotics, Bristows LLP, London, United Kingdom.
  5. BIS (2016), Big data: The hunt for timely insights and decision certainty
  6. Chris O’Connor (2017), What blockchain means for you, and the Internet of Things.retrieved on May 6th 2017, from<https://www.ibm.com/blogs/internet-of-things/watson-iot-blockchain/
  7. Central banking (2016), Big data in central banking: 2016 survey, retrieved on May 7th 2017, from<http://www.centralbanking.com/central-banking-journal/feature/2474825/big-data-in-central-banking-2016-survey>
  8. McKinsey Global Institute (2013), Disruptive technologies: Advances that will transform life, business, and the global economy.

[1] IoT là mối quan hệ giữa vạn vật (các sản phẩm, dịch vụ, địa điểm, v.v…) và con người thông qua các công nghệ kết nối và các nền tảng khác nhau. Nói cách khác IoT chính là sự kết nối các qui trình sản xuất và các yếu tố sản xuất (con người, máy móc, nguyên nhiên vật liệu) trong môi trường Internet và công nghệ cao.

[2] Các sản phẩm này được xác định thông qua một cuộc khảo sát được tiến hành bởi hội đồng nghị sự toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, trong đó có hơn 800 giám đốc điều hành và chuyên gia từ các lĩnh vực thông tin và công nghệ truyền thông tham gia.

ThS. Nguyễn Thị Minh Hằng

Viện Chiến lược ngân hàng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *